Phát hiện hàng loạt đồ tạo tác từ xương dê 2.500 năm tuổi
Khám phá khảo cổ mới cho thấy người Hy Lạp cổ đại đã biết chạm khắc xương dê để làm đồ vật trang trí từ cách đây hàng nghìn năm.
Một số lượng lớn xương dê và đồ tạo tác từ chúng đã được tìm thấy trong quá trình khai quật thành phố cổ Aigai ở tỉnh Manisa, phía tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ, cách không xa biển Aegean. Aigai có lịch sử từ thế kỷ thứ 8 TCN, thời kỳ Hy Lạp vừa thoát khỏi kỷ nguyên "tăm tối" do Đế quốc La Mã suy tàn, nhưng ngày nay đã bị bỏ hoang.
Các đồ tạo tác từ xương dê ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Hurriyet Daily News).
Nhóm khảo cổ đã tìm thấy các mẫu vật trong một bể chứa từng được sử dụng làm nơi đổ rác cách đây 2.500 năm và sau đó gửi chúng tới Đại học Kỹ thuật Trung Đông (ODTU) và Đại học Istanbul để kiểm tra.
Phân tích chi tiết cho thấy các đồ tạo tác được chạm khắc bằng nhiều công cụ khác nhau như dao, nĩa, thìa và thậm chí cả kẹp tóc. Một trong những mẫu vật nổi bật nhất mô tả hình ảnh cá lớn nuốt cá bé.
Mảnh xương được chạm khắc hình cá lớn nuốt cá bé. (Ảnh: Hurriyet Daily News).
Yusuf Sezgin, người đứng đầu cuộc khai quật, lưu ý rằng Aigai trong tiếng Hy Lạp cổ đại có nghĩa là "con dê" và thành phố này trong quá khứ cũng là một khu vực chăn nuôi dê nổi tiếng.
Aigai nằm ở một vùng núi với môi trường khắc nghiệt nên cuộc sống của người dân phụ thuộc rất nhiều vào dê. Thịt, sữa và da của loài vật này đều là nguồn thức ăn quan trọng. Ngoài xương dê được dùng làm vật trang trí, nhiều bộ phận khác cũng được sử dụng cho một số mục đích thực tế.
Một giảng đường bỏ hoang ở thành cổ Aigai, gần nơi phát hiện loạt đồ tạo tác. (Ảnh: Klaus-Peter Simon).
"Chúng tôi đang nghiên cứu ADN của các mảnh xương. Điều này có thể tiết lộ nhiều điều về các giống dê cổ đại cũng như mối quan hệ giữa chúng với dê hiện đại, qua đó có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của loài vật nuôi này đối với người dân Aigai và các cộng đồng Hy Lạp khác", Sezgin chia sẻ.
Việc phát hiện loạt đồ tạo tác từ xương dê không phải là khám phá khảo cổ duy nhất tại Aigai. Trước đó, các chuyên gia đã tìm thấy một bức khảm mô tả vị thần biển cả Poseidon với nhiều chữ khắc quan trọng, hay tàn tích của một khu bảo tồn nổi tiếng có liên quan đến Apollo - vị thần của ánh sáng, chân lý và nghệ thuật trong thần thoại Hy Lạp.
- Thần số học và ý nghĩa bí ẩn của 12 con số
- Những bức ảnh chân dung do AI tạo ra này sẽ khiến bạn lạnh hết sống lưng
- Tại sao không nên sử dụng điện thoại làm đồng hồ báo thức?