Phát hiện hóa thạch cá mập 370 triệu năm tuổi
Các nhà khoa học lần đầu tiên tìm thấy hóa thạch khung xương gần như hoàn chỉnh của cá mập cổ đại Phoebodus.
Hóa thạch cá mập Phoebodus ở Morocco. (Ảnh: Fox News).
Hóa thạch quý hiếm của cá mập Phoebodus được phát hiện trên dãy núi Anti-Atlas, Morocco, Fox News hôm nay đưa tin. Răng cá mập là một trong những hóa thạch phổ biến nhất thế giới. Tuy nhiên, vì cơ thể chúng chủ yếu cấu tạo từ sụn nên rất khó lưu giữ qua thời gian dài.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy khung xương hóa thạch của Phoebodus tồn tại từ Sự kiện tuyệt chủng Devon muộn. Hóa thạch hé lộ chúng có cơ thể giống lươn, hộp sọ và xương móng được chuyên hóa, bộ hàm dài, răng và ngạnh vây đặc trưng. Qua phân tích, nhóm nghiên cứu nhận thấy hóa thạch này khoảng 370 triệu năm tuổi. Trước khi tìm ra nó, dấu tích hiếm hoi về cá mập cổ đại Phoebodus chỉ là ba chiếc răng.
Cá mập Phoebodus cổ đại có cơ thể dài giống lươn. (Ảnh: Fox News).
Trong những loài vật có xương sống và hàm tồn tại trước kỷ Than Đá, hình dáng cơ thể của Phoebodus rất khác biệt. Với mình lươn và bộ hàm lớn, có thể trông Phoebodus tương tự như cá mập mang xếp ngày nay, dù chúng chỉ có quan hệ xa.
"Cá mập mang xếp là kẻ săn mồi điêu luyện với khả năng bất ngờ lao nhanh về phía trước để tóm con mồi. Hàm răng hướng vào trong giúp đảm bảo con mồi chỉ có một đường đi, đó là xuống cổ họng. Có thể Phoebodus cũng giống như vậy", David Ebert, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Cá mập Thái Bình Dương, cho biết.