Phát hiện hóa thạch thú có mai 20.000 năm tuổi
Phần còn lại của bốn con Glyptodont khổng lồ sống trong thế Canh Tân tình cờ được tìm thấy bởi một nông dân ở thủ đô Buenos Aires.
Bốn hóa thạch Glyptodont 20.000 năm tuổi được tìm thấy ở Argentina. (Ảnh: Metro).
Khám phá được thực hiện bởi nông dân Juan de Dios Sota trong lúc chăn thả gia súc bên một bờ sông ở phía đông Argentina. Glyptodont, được xem là tổ tiên của các loài thú có mai hiện đại, đã phát triển ở Nam Mỹ từ cách đây 20 triệu năm trước khi tuyệt chủng vào cuối thế Canh Tân.
Sau khi nhận được báo cáo, Viện Cổ sinh vật học và Khảo cổ Incuapa-Conicet đã cử nhóm chuyên gia tới hiện trường và dự kiến dành một tuần để khai quật hóa thạch.
Địa điểm khai quật nằm bên một bờ sông ở Buenos Aires. (Ảnh: Metro).
"Ban đầu, chúng tôi chỉ kỳ vọng tìm thấy hai con Glyptodont nhưng khi cuộc khai quật bắt đầu, thêm hai con khác được tìm thấy", Pablo Messineo, một thành viên của nhóm khảo cổ cho biết. "Đây là lần đầu tiên có tới bốn hóa thạch Glyptodont xuất hiện tại cùng một địa điểm. Tất cả đều quay đầu về một hướng, giống như đang di chuyển về phía thứ gì đó".
Trong bốn mẫu vật được tìm thấy, có hai con trưởng thành và hai con non. Nhóm nghiên cứu đang chuẩn bị phân tích hóa thạch để xác định tuổi, giới tính và nguyên nhân gây ra cái chết của chúng.
Đồ họa mô phỏng loài Glyptodont khổng lồ. (Ảnh: Alamy).
Giống như các loài thú có mai hiện nay, cơ thể của Glyptodont được bao bọc bởi một lớp vỏ cứng cấu thành từ các vảy xương, có thể dài 1,5 m và dày 5 cm. Chúng còn có một chiếc đuôi dài và nhọn, đóng vai trò như chiếc chùy để đánh trả kẻ thù khi bị tấn công. Các Glyptodont lớn nhất có thể nặng tới 2.000kg.