Phát hiện hơn 5.000 đồ kim loại dùng làm tiền
Hàng nghìn vòng cổ, lưỡi rìu và thanh kim loại thời Đồ Đồng với cân nặng tương đương nhau có thể là loại tiền cổ xưa nhất thế giới.
Các nhà khảo cổ phân tích hơn 5.000 đồ kim loại tồn tại từ thời Đồ Đồng sớm (năm 2150 - 1700 trước Công nguyên) thu thập từ khoảng 100 địa điểm ở Trung Âu, Live Science hôm 21/1 đưa tin. Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí PLOS One.
Lưỡi rìu và vòng kim loại dùng để mua bán thời Đồ Đồng. (Ảnh: Maikal Kuijpers).
Số cổ vật này gồm vòng cổ, lưỡi rìu và những thanh kim loại cong có kích thước và cân nặng tương đương nhau. Nhóm chuyên gia phát hiện chúng với số lượng lớn thay vì từng cái riêng lẻ, đồng thời nhận thấy chúng có sự nhất quán. Điều này chỉ ra, chúng đại diện cho một giá trị được thừa nhận nào đó và đóng vai trò giống như tiền.
Để xếp loại tiền, cổ vật phải được sản xuất với số lượng lớn, dùng để trao đổi và được tiêu chuẩn hóa theo cách nào đó, ví dụ về hình dạng hoặc cân nặng, theo tác giả nghiên cứu Maikal Kuijpers, nhà khảo cổ tại Đại học Leiden.
Những cổ vật thời Đồ Đồng ở Trung Âu rõ ràng đã tiêu chuẩn hóa, Kuijpers nhận định. Chúng không thực sự đồng nhất như tiền giấy hay tiền xu ngày nay. Nguyên nhân là các nền văn minh thời kỳ đó chưa phát triển hệ thống cân đo chính xác và nhiều khả năng người dân chỉ ước lượng cân nặng của vật thể bằng tay.
Kuijpers và Popa cân thử 2.639 vòng cổ, 1.780 thanh kim loại và 609 lưỡi rìu, sau đó so sánh cân nặng của chúng. Kết quả, một vật thể nặng 176-217 gram sẽ được coi là nặng bằng nhau và bằng 196 gram - mức cân nặng tiêu chuẩn thời đó.
Loạt cổ vật ở Trung Âu không chỉ cung cấp thông tin về hoạt động mua bán thời Đồ Đồng mà còn đặt ra những câu hỏi về sự phát triển của trí tuệ và khả năng giải quyết vấn đề. "Làm cách nào người xưa nghĩ đến hệ thống cân đo, tri thức tiến hóa như thế nào qua thời gian và nhận thức của con người phát triển ra sao", Kuijpers đặt câu hỏi.