Phát hiện khảo cổ học mới tiết lộ mắt xích còn thiếu quan trọng của nền văn minh Thục cổ
Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học Thành Đô ngày 25/8 thông báo, di chỉ thời nhà Chu - di chỉ làng Tê Viên được phát hiện ở khu Bì Đô, Thành phố Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc, tiết lộ điểm mấu chốt của quá trình chuyển đổi từ văn hóa Thục sơ khai sang văn hóa Thục muộn.
Một bức tượng đồng lớn tại di chỉ Tam Tinh Đôi - Trung Quốc. (Ảnh: Viện Di tích và Khảo cổ Tứ Xuyên).
Theo Hùng Tiêu Kiều, người phụ trách địa điểm khai quật, di chỉ làng Tê Viên là một địa điểm hiếm hoi thể hiện sự phát triển liên tục từ giữa và cuối triều Tây Chu đến thời Xuân Thu ở đồng bằng Thành Đô. Đội khảo cổ đã khai quật hơn 80 ngôi mộ, hơn 10 di tích phòng ốc,... thời Tây Chu và Xuân Thu. Một lượng lớn đồ đồng, đồ ngọc và đồ gốm được phát hiện. Đồ đồng chủ yếu là kiếm, giáo, mác, ấn,...trong đó, kiếm hình lá liễu và dấu ấn đều là các đồ vật điểm hình cho văn hóa Thục.
Từ các tài liệu khảo cổ học hiện tại cho thấy, sự phát triển của văn hóa Thục cổ đã trải qua một số giai đoạn văn hóa như Bảo Đôn, Tam Tinh Đống, Thập Nhị Kiều và văn hóa Hậu Thục.
Theo đánh giá của các nhà khảo cổ, phát hiện khảo cổ này có ý nghĩa to lớn đối với việc khôi phục lịch sử và văn hóa, tái tạo lại các hình thức tổ chức xã hội, các phong tục tang lễ cổ xưa. Đồng thời, nó có thể tiết lộ thêm những mắt xích quan trọng còn thiếu của nền văn minh Thục, là tài liệu quý hiếm cho nghiên cứu văn hóa Thục cổ.
Người phụ trách điểm khai quật cho biết thêm, đợt khai quật lần này sẽ tiến hành các công tác khảo cổ khoa học khác như khảo cổ động, thực vật, khảo cổ môi trường. Trong các ngôi mộ thời Đông Chu, phát hiện hiện tượng xương hươu tùy táng chung. Hươu là biểu tượng của sự giàu có và có ý nghĩa hiến tế, đồng thời phản ánh sự phát triển của nghề săn bắn trong xã hội Thục cổ.