Phát hiện loài rận có thể tồn tại dưới đáy đại dương
Các nhà khoa học mới phát hiện ra loài rận ký sinh trên chi sau của hải cẩu voi Nam Cực, có khả năng tồn tại ở độ sâu 2.000m dưới mực nước biển.
Rận Lepidophthirus macrorhini.
Theo nghiên cứu mới công bố hồi tháng 7 trên Tạp chí Sinh học Thực nghiệm, rận Lepidophthirus macrorhini có thể là loài côn trùng có sức chịu đựng cao nhất trong hệ sinh thái biển.
Vào năm 2015, nhà sinh vật biển học Maria Leonardi đã tìm thấy rận Lepidophthirus macrorhini trên các con hải cẩu voi ở đảo King George nằm ngoài khơi Nam Cực. “Bạn có thể quan sát chúng bằng mắt thường. Chúng trông như những con cua thu nhỏ”, chuyên gia này cho biết.
Cụ thể, loài rận ký sinh trên các chi sau của hải cẩu voi và hút máu vật chủ để tồn tại. Đáng chú ý, hải cẩu voi là loài động vật có vú sống dưới nước. Chúng thường dành 10 tháng trong một năm để lặn kiếm thức ăn, mỗi lần lặn kéo dài 2 tiếng và ở độ sâu 2.000 m.
Tiến sĩ Maria Leonardi tìm thấy rận Lepidophthirus macrorhini trên những con hải cẩu voi ở đảo King George (Nam Cực). (Ảnh: The New York Times).
Theo tiến sĩ Leonardi, điều này cho thấy rận Lepidophthirus macrorhini có thể sống sót sau những chuyến đi lặn khắc nghiệt của hải cẩu voi. Loài rận cũng có thể chịu được áp suất cao dưới đáy biển.
Nhóm nghiên cứu của bà Leonardi đã dùng nhíp để tách rận từ 15 con hải cẩu voi. Tại phòng thí nghiệm, họ ngâm những con rận vào khay đựng có chứa nước biển, được kết nối với bình nén khí.
Sau đó, sức chống chịu của loài rận được thử nghiệm với nhiều mức độ áp suất, tương đương môi trường biển ở độ sâu từ 300 m đến 2.000 m. Sau 10 phút, có 69 trong số 75 con rận còn sống.
Đồng tác giả của nghiên cứu trên, tiến sĩ Claudio Lazzari tại Đại học Tours (Pháp), cho biết: “Tôi thấy thú vị khi loài rận này có thể sống sót dưới lực áp suất cao. Tất cả số rận đều thích nghi được với sự thay đổi áp suất. Song những con rận trưởng thành có khả năng hồi phục nhanh hơn".