Phát hiện loài thằn lằn khổng lồ ăn cỏ mới sống cách đây hơn 200 triệu năm
Hoá thạch mới phát hiện tại Ba Lan là bằng chứng cho thấy khủng long không phải là loài động vật ăn cỏ lớn nhất tồn tại trong Kỷ Trias.
Lisowicia Bojani là tên của loài động vật to lớn sống cùng thời với loài khủng long. Loài này có chiều dài trung bình 4,5 mét, cao 2,6 mét và nặng khoảng 9 tấn, tương đương với kích thước của một con voi lớn.
Hoá thạch của loài Lisowicia Bojani được phát hiện tại Ba Lan.
Phát hiện mới của hai nhà khoa học Tomasz Sulej, đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan và Grzegorz Niedźwiedzki, từ Đại học Uppsala của Thụy Điển, đã thay đổi quan niệm trước đây cho rằng loài động vật ăn cỏ khổng lồ duy nhất tồn tại trong Kỷ Trias chỉ có khủng long. Các phát hiện hiện đã được đăng tải trên tạp chí Science.
Lisowicia Bojani được các nhà nghiên cứu xếp vào chi Dinodontosaurus thuộc loài Therapsid, loài khủng long ăn tạp sống giữa giai đoạn Trung Permi khoảng 267 triệu năm trước.
Từ năm 2005 đến nay, đã có hơn 1.000 bộ xương hoá thạch của loài Lisowicia Bojani được thu thập từ khu vực Ba Lan.
Mô hình phục dựng của loài Lisowicia Bojani.
Phân tích xương hoá thạch cho thấy loài động vật này di chuyển theo hướng thẳng đứng, tương tự như động vật có vú lớn như tê giác và hà mã hiện nay.
Nhà nghiên cứu Tomasz Sulej khẳng định đây là một khám phá đáng chú ý nhất trong đời nghiên cứu của mình.
“Phát hiện này là những bằng chứng đi ngược lại quan điểm hiện tại cho rằng chi Dinodontosaurus đã suy giảm trong giai đoạn sau của thời kỳ Trias. Tuy nhiên, thực tế vẫn có ít nhất một nhánh trong chi Dinodontosaurus phát triển đa dạng”, Nick Fraser, người đứng đầu khoa Khoa học Tự nhiên tại Viện bảo tàng quốc gia Scotland nhận định về phát hiện mới.