Phát hiện lưỡi câu cá mập 6.000 năm tuổi ở Israel
Cơ quan Cổ vật Israel công bố phát hiện một trong những chiếc lưỡi câu bằng kim loại lâu đời nhất tại ngôi làng cổ Chalcolithic ở thành phố Ashkelon.
Trong thông cáo báo chí vào tuần trước, Cơ quan Cổ vật Israel (IAA) cho biết chiếc lưỡi câu được làm bằng đồng và được bảo quản hoàn hảo dù có niên đại cách đây tới 6.000 năm. Nó dài 6,5cm và rộng 4cm.
Lưỡi câu khổng lồ được khai quật ở Chalcolithic, Ashkelon, Israel. (Ảnh: IAA).
"Đó là kích thước và hình dạng đặc trưng của lưỡi câu cá mập hoặc cá ngừ đại dương, nhưng ở bờ biển Israel và phía đông Địa Trung Hải, cá ngừ không phổ biến như ở nam Địa Trung Hải", Tiến sĩ Yael Abadi-Reiss từ IAA nói với tờ Times of Israel.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, lưỡi câu này đủ chắc chắn để bắt những con cá dài từ 2 đến 3m. Kích thước đó phù hợp với hai loài cá mập trong khu vực là cá mập xám (Carcharhinus obscurus) và cá mập cát (Carcharhinus plumbeus).
Nằm cách bờ biển khoảng 4km, các tàn tích còn sót lại của Chalcolithic cho thấy đây là một ngôi làng cổ rất giàu tài nguyên nông nghiệp, nơi người dân trồng lúa mì, lúa mạch, đậu, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc. Họ đã sống ở đó ít nhất 600 năm trong những ngôi nhà tập trung xung quanh ba công trình bằng đá lớn, có thể là các tòa nhà tôn giáo. Cách làng vài trăm mét là khu vực luyện kim, nơi có khả năng tạo ra chiếc lưỡi câu đồng.
Tàn tích các tòa nhà của ngôi làng Chalcolithic được khai quật ở Ashkelon. (Ảnh: IAA)
Theo IAA, phát hiện mới là bằng chứng cho thấy người dân địa phương đã chèo thuyền ra khơi và thả lưỡi câu khổng lồ mới được chế tác với mục tiêu bổ sung thịt cá mập vào thực đơn của họ.
Các bằng chứng khảo cổ học trước đây ở ven biển Israel cũng cho thấy cá mập bị đánh bắt để lấy thịt, da và các sản phẩm có giá trị khác. Nhiều mô tả về cá mập xuất hiện trong những tác phẩm nghệ thuật và đồ tạo tác, như đồ gốm và tranh khảm, cho thấy chúng là một phần quan trọng trong di sản văn hóa và nghệ thuật của các cộng đồng ven biển cổ đại.
Trong một trường hợp khác, các nhà khảo cổ còn tìm thấy răng cá mập trong một khu chôn cất từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên ở Ashkelon, trong đó thi thể của một phụ nữ trẻ được trang trí với chiếc vòng cổ làm từ răng cá mập.
Cơ quan Cổ vật Israel hôm 3/4 đã trưng bày lưỡi câu cá mập tại Đại hội Khảo cổ lần thứ 48 trong khuôn viên Givat Ram của Đại học Do Thái ở Jerusalem. Đây là hội nghị thường niên do IAA, Hiệp hội Thám hiểm Israel và Hiệp hội Khảo cổ Israel phối hợp tổ chức.

Thủy quái Leviathan không còn là huyền thoại
Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện những dấu tích hóa thạch của một con cá voi cổ đại với bộ răng to lớn đáng sợ.

Trung Quốc tìm thấy phôi khủng long mỏ vịt được bảo quản nguyên vẹn trong quả trứng
Hai mảnh phôi khủng long từ kỷ Phấn trắng đã được tìm thấy ở tỉnh Giang Tây, miền Đông Trung Quốc.

Cận cảnh bức tranh khảm quý hiếm, rõ nét nhất mô tả cuộc chiến thành Troy
Các nhà khoa học phát hiện ra bức tranh khảm rõ ràng nhất từ trước đến nay mô tả cuộc chiến thành Troy trong thần thoại Hy Lạp.

Phát hiện loài "vượn khủng bố" - một trong những loài vượn lớn nhất từng tồn tại trên Trái đất
Đây là một loài vượn cổ đại có trọng lượng gần 50kg, từng sinh sống ở châu Phi, đặc biệt là Nam Phi và Ethiopia.

Chuyện li kỳ về 10 bảo vật vô giá của Trung Quốc
Rác trong mắt bạn lại là một kho báu quý giá trong mắt người khác.Tại Trung Quốc, đã từng có vô số cổ vật, thậm chí là bảo vật Quốc gia lưu lạc trong dân gian, bị coi là rác, là phế vật.

Nguồn gốc thực sự của Bức tường thành Jerusalem
Lịch sử của một trong những địa điểm linh thiêng nhất thế giới đối với cả người Do Thái và người Hồi Giáo có lẽ sẽ phải được viết lại sau một khám phá bất ngờ của các nhà khảo cổ Israel.
