Phát hiện mảng kiến tạo kỳ lạ ở độ sâu 660km tại nam Thái Bình Dương
Lần đầu tiên trong lịch sử địa chất học, các nhà khoa học Mỹ phát hiện bằng chứng hiện diện của một mảng kiến tạo tại quyển Manti Trái Đất, ở khu vực nam Thái Bình Dương.
"Sử dụng thiết bị hình ảnh chuyên dụng, chúng tôi đã chụp được mảng kiến tạo cổ cách đây hàng triệu năm, bên dưới quần đảo Tonga ở nam Thái Bình Dương. Đây là khu vực có tới 90% các cơn dịch chuyển địa chấn ở độ sâu 500km trên Trái Đất xảy ra", nhà địa chất học Jonny Wu thuộc trường Đại học Houston (Mỹ) nói với tờ The Guardian.
Mảng kiến tạo cổ cách đây hàng triệu năm, bên dưới quần đảo Tonga ở nam Thái Bình Dương. (Nguồn: Jonny Wu, Đại học Houston (Mỹ)).
Nhóm của nhà địa chất học Jonny Wu đã phát hiện mảng kiến tạo này nằm ở vùng chuyển tiếp thuộc quyển Manti, ở vị trí giữa quyển Manti trên và quyển Manti dưới. Cụ thể, ở độ sâu đến 660km.
Phát hiện được công bố chính thức trong hội nghị chung giữa Liên đoàn địa chất học Nhật Bản và Hội địa chất học Mỹ tại Tokyo (Nhật Bản) ngày 23/5/2017 vừa qua.
Cấu trúc của Trái Đất. (Nguồn: Proceedings of the National Academy of Science).
Lý giải phát hiện này, nhóm địa chất học thuộc trường Đại học Houston (Mỹ) giải thích trên Zmescience rằng:
Quyển Manti (còn gọi là Lớp phủ, tên tiếng Anh là Mantle) có lớp vỏ đá dày khoảng 3.000km, chiếm khoảng 70% thể tích Trái Đất.
Ở các điểm nông của quyển Manti chứa các sản phẩm nóng chảy (ngay bên dưới lớp vỏ). Khi chúng dịch chuyển, lớp vỏ cũng dịch chuyển theo khiến cho các mảng kiến tạo kéo giãn ra gây nên các vụ nứt gãy ở đáy đại dương, gây phun trào mắc-ma từ quyển Manti.
Khi hai mảng kiến tạo va chạm với nhau, chúng xảy ra hiện tượng mà giới địa chất học gọi là sự hút chìm. Sau khi dịch chuyển hàng nghìn km qua hàng triệu năm, hai mảng kiếm tạo va vào nhau tại điểm hút chìm.
Chúng chuyển động theo hướng va hút nhau và xảy ra sự hút chìm, theo đó một mảng chuyển động xuống bên dưới một mảng khác và chìm vào quyển Manti. Đây chính là mảng kiến tạo mà các nhà khoa học thuộc Đại học Houston (Mỹ) đã phát hiện.
Khu vực hút chìm (mũi tên đỏ).
Ngoài ra, lớp vỏ bị dịch chuyển cũng gây ra các thảm họa tự nhiên khác như động đất, hình thành núi lửa, dãy núi ngầm...
Sự kiện này phù hợp với những trận động đất Vityaz dữ dội ở tầng sâu giữa Fiji và Australia.
Phát hiện này cho thấy, những hiểu biết khoa học của chúng ta về lớp vỏ và lớp phủ còn nhiều hạn chế. Ngay bên dưới bề mặt Trái Đất, ở độ sâu hàng nghìn km là những hoạt động địa chất còn chứa nhiều điều khó hiểu, thách thức những phát hiện không ngừng của con người.