Phát hiện manh mối về tình trạng các hành tinh bị co rút

Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho rằng một số hành tinh trong vũ trụ đang bị co rút do lõi của chúng tống ra bức xạ mạnh mẽ khiến khí quyển bị xóa sổ.


Mô phỏng các hành tinh khác nhau của Hệ Mặt trời. (Ảnh: NASA/JPL-CALTECH).

Trong số trên 5.000 hành tinh ngoài Trái đất được NASA phát hiện đến nay, có nhiều hành tinh được xếp vào nhóm siêu Trái đất (lớn gấp tối đa 1,5 lần địa cầu) và nhiều hành tinh thuộc nhóm cận sao Mộc, tức có đường kính lớn gấp từ 2 đến 4 lần Trái đất.

Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận ra dường như chẳng có hành tinh nào nằm giữa hai nhóm này, tức lớn gấp 1,5 đến 2 lần kích thước Trái đất.

"Các nhà khoa học nghiên cứu hành tinh ngoài Trái đất đang nắm đủ dữ liệu để xác nhận về khoảng trống tồn tại giữa hai nhóm trên. Có điều gì đó đang xảy ra khiến nhiều hành tinh không thể đạt được hoặc duy trì được kích thước lớn gấp 1,5 đến 2 lần so với địa cầu", theo trang nasa.gov dẫn lời bà Jessie Christiansen, trưởng nhóm khoa học của kho dữ liệu hành tinh ngoài Trái đất của NASA và đang công tác ở Viện Công nghệ California (Caltech).

Các nhà khoa học từng giả thuyết rằng, có lẽ một số hành tinh cận sao Mộc đã bị thu nhỏ lại đến mức cỡ bằng nhóm siêu Trái đất.

Trong cuộc nghiên cứu mới nhất, đội ngũ do bà Christiansen dẫn đầu phát hiện những hành tinh cận sao Mộc đã bị co rút và thu nhỏ lại do khí quyển của chúng bị thổi bay bởi bức xạ phát ra từ lõi hành tinh.

Báo cáo đăng trên chuyên san The Astronomical Journal có thể giải mã bí ẩn đằng sau sự biến mất của nhóm hành tinh lẽ ra phải tồn tại.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất