Phát hiện mới: Vật chất thu nhỏ hoạt động bằng dầu và nước
Gần đây, các nhà khoa học phát hiện rằng họ có thể tạo ra những "vật chất" hay "vận động viên" bơi lội nhân tạo chỉ với dầu và nước.
Bằng cách kết hợp nước cùng với vài giọt dầu để tạo ra một dung dịch gần giống như chất tẩy rửa, đây là một phương pháp mới trong việc tạo ra các vật chất thu nhỏ, chúng hoạt động dựa trên nguyên lý dao động và tích trữ năng lượng.
Các giọt dầu sử dụng sự thay đổi nhiệt độ trong môi trường xung quanh để tích trữ năng lượng. Khi được làm lạnh, các giọt này sẽ giải phóng ra các sợi mảnh giống như 1 "chiếc đuôi" vào trong môi trường. Lực ma sát tạo ra giữa những "chiếc đuôi" và chất lỏng xung quanh sẽ đẩy giọt dầu và làm chúng chuyển động.
Các giọt dầu này có thể "nạp năng lượng" nhiều lần.
Ngược lại, khi được làm nóng, các giọt dầu này sẽ "thu hồi" những chiếc đuôi của mình để trở lại trạng thái ban đầu, đồng thời hấp thụ nhiệt từ môi trường xung quanh để nạp lại năng lượng. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng các giọt dầu này có thể "nạp năng lượng" nhiều lần và có thể chuyển động trong khoảng thời gian lên đến 12 phút cho mỗi lần nạp/sạc.
Theo Tiến sĩ Stoyan Smoukov, nghiên cứu viên về Kỹ thuật Hóa học tại Đại học Queen Mary, London cho biết: "Trong sinh học, để có thể tạo ra một tế bào nhân tạo đơn giản nhất cần có hơn 470 gen. Tuy nhiên, dựa vào phát hiện mới này, chúng ta có thể tạo ra một số vật chất mới với thành phần đơn giản hơn cùng giá thành thấp hơn, những loại vật chất này có thể hoạt động, thay đổi hình dạng và di chuyển giống như một sinh vật sống".
Có rất nhiều loại vật chất nhân tạo khác nhau cùng tồn tại, tuy nhiên chuyển động của chúng phụ thuộc vào các phản ứng hóa học, các chất lỏng hoặc các lực vật lý như từ trường hoặc điện trường.
Một ưu điểm của các vật chất mới này là kích thước nhỏ, chỉ bằng một tế bào hồng cầu. Chúng có thể tự lắp ráp và di chuyển mà không cần sử dụng lực tác động từ bên ngoài. Những vật chất kiểu mới này không gây hại cho các sinh vật sống khác.
Các nhà khoa học hy vọng có thể sử dụng chúng để nghiên cứu các tương tác cơ bản giữa các sinh vật sống như vi khuẩn và tảo... bằng cách trộn chúng vào các nhóm sinh vật sống và quan sát những tương tác giữa chúng. Qua đó, chúng ta có thể xây dựng một bức tranh rõ ràng hơn về cách các vi sinh vật giao tiếp với nhau.