Phát hiện mới về quái thú khổng lồ và loài người đáng sợ sống song song chúng ta
Một nghiên cứu mới dựa trên hài cốt của 70 cá thể thuộc về một loài quái thú khổng lồ, nặng 13 tấn, đã vén màn bí ẩn về thời kỳ 125.000 năm trước, thấp thoáng bóng hình một loài người thợ săn.
Theo Sci-News, nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Sabine Gaudzinski-Windheuser từ Trường Đại học Johannes Gutenberg ở Mainz và cơ quan nghiên cứu khảo cổ MONREPOS (Đức) đã phân tích tập hợp "voi ngà thẳng" phong phú nhất được biết đến từ trước đến nay.
Đó là 70 bộ hài cốt được bảo quản tốt từ di chỉ mang tên Neumark-Nord 1, nằm cách TP Halle ở miền Trung nước Đức khoảng 10km từ phía Nam, được khai quật từ năm 1985 và 1996.
Mô hình voi có ngà thẳng đã tuyệt chủng bên cạnh một nữ khoa học gia - (Ảnh: Lutz Kindler, LEIZA).
Voi ngà thẳng (danh pháp khoa học Palaeoloxodon antiquus) là loài voi cổ đại đã tuyệt chủng, to hơn voi hiện đại rất nhiều, với một số cá thể có trọng lượng lên tới 13 tấn, lớn hơn nhiều so với voi châu Á hiện đại khoảng 3-4 tấn và voi châu Phi khoảng 6 tấn.
Những bộ hài cốt nói trên cho thấy các cá thể đực lớn vượt trội so với các thể cái và có số lượng đông đảo hơn hẳn.
Các kỹ thuật hiện đại đã giúp các nhà khoa học tái hiện lại giai đoạn lịch sử xảy ra thông qua các thông tin mà 3.122 mảnh hài cốt từ 70 bộ xương nói trên lưu giữ, cùng các thông tin từ chính di chỉ mà chúng yên nghỉ.
Tất cả đều cho thấy "bóng ma" của con người, nhưng không phải tổ tiên Homo sapiens chúng ta mà là một loài người cổ đại, cũng đã tuyệt chủng như những quái thú ở di chỉ đó: Người Neanderthals.
Những thứ tìm được tại nghĩa địa quái thú cổ xưa thuộc về voi ngà thẳng và có "bóng ma" của con người - Ảnh: SCIENCE ADVANCES
Điều gây bất ngờ nhất là sự tương tác của con người thể hiện rõ ràng ở "nghĩa địa quái thú này", không chỉ qua dấu tích trên xương, mà thông qua cả sự chênh lệch giới tính nói trên.
Các nhà khoa học dự đoán rằng quái thú tuyệt chủng này cũng có tập tính giống voi hiện đại, các con đực đi lẻ bầy nên đã trở thành mục tiêu của người Neanderthals. "Nghĩa địa quái thú" này không phải nơi các con voi tìm đến và chết như các câu chuyện nhuốm màu hiện đại, mà là nơi người Neanderthals xử lý các con thú họ săn được.
Điều này cung cấp một thông tin bất ngờ về khả năng xã hội của người Neanderthals, một loài anh em đã tuyệt chủng của chúng ta và từng bị cho là kém phát triển. Các tác giả giải thích việc săn bắt những động vật lớn này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên trong nhóm, giống như việc chế biến con mồi, đòi hỏi nhiều công đoạn.
Một con voi ngà thẳng trung bình khoảng 10 tấn có thể cung cấp khoảng 2.500 khẩu phần cho người Neanderthals và với một xã hội 125.000 năm trước, "nhà hàng" khổng lồ này gián tiếp thể hiện một cộng đồng quy mô, được tổ chức chặt chẽ. Có thể lớn hơn nhiều suy đoán về các nhóm nhỏ 25 người mà các nghiên cứu khảo cổ trước đây chỉ ra.
Đây cũng là bằng chứng tiếp theo khẳng định người Neanderthals là những thợ săn thiện nghệ. Một số nghiên cứu trước đó chỉ ra họ có thể đã săn cả ma mút và nhiều động vật khổng lồ cổ đại khác.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Science Advances.