Phát hiện sự tồn tại bí ẩn của môi chất "giết" tầng ozone
Tầng ozone của Trái Đất không được bảo vệ an toàn như chúng ta nghĩ. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện hóa chất carbon tetrachloride (CCl4) - một môi chất làm hại tầng ozone - vẫn đang được thải ra bầu khí quyển từ một nguồn gốc chưa được làm rõ.
>>> Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực đang thu hẹp lại
Theo tuyên bố mới nhất của NASA công bố ngày 20/8 trên tạp chí "Geophysical Research Letters", các nước tham gia Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone đều báo cáo mức thải CC14 bằng 0 trong giai đoạn 2007-2012. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất cho thấy mức độ khí thải CC14 trên toàn cầu trung bình hiện nay là 39 kiloton/năm, tương đương khoảng 30% mức tối đa của giai đoạn trước khi triển khai các hiệp ước quốc tế về cắt giảm khí thải gây hại tới lớp vỏ bảo vệ Trái Đất.
Các tầng ozone
Với mức thải CC14 bằng 0 như trong báo cáo, mức độ tập trung của hợp chất này trong bầu khí quyển sẽ phải giảm với tốc độ 4%/năm từ năm 2007. Tuy nhiên, những quan sát từ mặt đất cho thấy con số này trên thực tế chỉ ở mức 1%/năm.
Mức độ CC14 hiện tại không đủ để đảo ngược và làm tăng trở lại các mối đe dọa đối với tầng ozone, song điều đáng lo ngại là các chuyên gia hiện chưa thể làm rõ nguồn gốc phát thải. Paul Newman, nhà khoa học đứng đầu về nghiên cứu khí quyển của NASA, cho biết thế giới tin rằng Nghị định thư Montreal đã giúp chấm dứt việc thải ra bầu khí quyển các hóa chất làm suy yếu tầng ozone. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra rằng vẫn đang tồn tại một nguồn phát thải CC14 lớn trên thế giới mà hiện khoa học chưa biết đến.
Các chuyên gia đã sử dụng Mô hình Khí hậu Hóa học GEOS 3-D kết hợp với dữ liệu từ mạng lưới trạm quan sát mặt đất toàn cầu để đưa ra những ước tính đầu tiên về mức độ thải CC14 trung bình toàn cầu trong giai đoạn 2000-2012. Phân tích cũng cho thấy hóa chất này lưu lại trong khí quyển lâu hơn 40% so với giả định trước đây.
CC14 là một môi chất có khả năng làm lạnh được dùng nhiều trong giặt khô và bình cứu hỏa. Môi chất này ảnh hưởng đến sự suy giảm của tầng ozone và biến đổi khí hậu toàn cầu. Thế giới đã nhất trí ngừng sử dụng CC14 như một phần cam kết trong Nghị định thư Montreal, một nghị định thư của Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone.