Phát hiện tảo gây mất trí nhớ trên vùng biển Philippines
Các nhà khoa học phát hiện 2 loài tảo biển cực nhỏ sản sinh độc tố có thể gây mất trí nhớ trên vùng biển Philippines.
Theo trang ScienceAlert ngày 17-11, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Ateneo de Manila (Philippines) và Đại học Malaysia Sawawak (Malaysia) đã thu thập mẫu nước biển từ trang trại nuôi hải sản Sotto's Tahong ở vịnh Bacoor, nơi cung cấp trai cho thủ đô Manila và các tỉnh lân cận, và vịnh Pagbilao, nơi nuôi các quần thể hàu Magallana bilineata.
Nhóm đã phân lập 15 chủng Pseudo-nitzschia từ các mẫu và nuôi cấy chúng trong phòng thí nghiệm. Họ phát hiện trong số này có 2 loài là Pseudo-nitzschia pungens và Pseudo-nitzschia brasiliana có khả năng sản xuất axit domoic.
Hải sản được bày bán ở một khu chợ tại thủ đô Manila, Philippines - (Ảnh: AFP).
Đây là lần đầu tiên Pseudo-nitzschia brasiliana, loài phân bố rộng rãi ở khắp vùng nhiệt đới, được phát hiện ở đảo Luzon và được tìm thấy trong mẫu nước biển ở vịnh Pagbilao. Trong số hàng triệu loài tảo cát, chỉ có 28 loài thuộc chi Pseudo-nitzschia được biết là có khả năng sản sinh ra chất độc thần kinh gọi là axit domoic.
Axit domoic có thể tích tụ trong động vật có vỏ, cá mòi và cá cơm do chúng ăn chủ yếu là các loài tảo biển như tảo cát.
Rất hiếm khi hải sản chứa độc tố này xuất hiện trên bàn ăn của chúng ta. Tuy nhiên các hoạt động của con người đang tạo ra hiện tượng tảo biển nở hoa thường xuyên hơn, làm tăng nguy cơ hải sản có thể tích tụ axit domoic ở mức gây ra một số tác dụng phụ đáng lo ngại, từ nôn mửa và tiêu chảy đến mất trí nhớ và tử vong.
Năm 1987, 3 người chết và ít nhất 100 người nhập viện tại đảo Prince Edward (Canada) vì ngộ độc động vật thân mềm, trong đó có hải sản chứa axit domoic gây mất trí nhớ ngắn hạn vĩnh viễn. Thảm họa này được cho là có nguồn gốc từ vẹm xanh Mytulis edulis.
Kể từ đó, ngành công nghiệp hải sản đã giám sát chặt sự nở hoa của tảo Pseudo-nitzschia. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng cần nghiên cứu nhiều hơn tại Philippines, sau khi phát hiện các loài tảo cát gây mất trí nhớ trong động vật có vỏ từ các khu nuôi hải sản ngoài khơi đảo Luzon.
Trước nghiên cứu này, có 2 nghiên cứu khác khảo sát sự hiện diện của Pseudo-nitzschia tại Philippines, trong đó một nghiên cứu phát hiện axit domoic cao gấp 4 lần mức an toàn trong mô động vật có vỏ ở vịnh Masinloc của đảo Luzon.
Gần đây nhất là vào tháng 5-2023, một đợt nở hoa của nhiều loại tảo đã được phát hiện gần Pangasinan, đảo Luzon.
Nhóm nghiên cứu hy vọng phát hiện của họ có thể giúp các nhà sản xuất hải sản giám sát tình trạng tảo nở hoa có hại trong tương lai, và hạn chế các đợt bùng phát ngộ độc gây mất trí nhớ ở động vật có vỏ.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Diatom Research.
Được biết Philippines là nhà sản xuất hải sản lớn thứ 11 trên thế giới, đóng góp hơn 4 triệu tấn hải sản cho thị trường toàn cầu.

Những bãi biển nguy hiểm nhất thế giới
Phần lớn du khách đều muốn đi biển vào mùa hè, nhưng nhiều bãi biển tiềm ẩn những nguy hiểm chết người.

Những sự thật thú vị về cá mập khiến bạn kinh ngạc
Cá mập là một trong những sinh vật biển nguy hiểm nhất của đại dương. Chúng là những sát thủ đáng sợ đối với sinh vật biển cũng như con người. Bên cạnh sự nguy hiểm đó chúng còn có những điều rất thú vị mà bạn không ngờ tới.

Những mối quan hệ hai bên cùng có lợi
Một mối quan hệ giữa hai cá thể (loài vật, cây, con người...) chỉ tồn tại được lâu dài nếu cả hai bên đều được lợi. Đó là quy luật cộng sinh.

Tìm hiểu về loài mực - cách mà loài thân mềm yếu ớt sinh tồn
Mực có kích cỡ rất đa dạng từ khổng lồ 14m đến loài mực lùn chỉ dài 2,5cm. Các con vật này được xếp vào nhóm động vật thân mềm.

Sự thật đằng sau việc cho cá voi trắng ăn đá viên là gì?
Trong mùa hè thiêu đốt này, có lẽ bạn đang nghĩ ra nhiều cách khác nhau để giải nhiệt. Nhưng bạn có bao giờ thắc mắc tại sao chúng ta thường thấy người ta cho cá voi beluga ăn đá viên không?

Đốm màu bí ẩn khổng lồ ở Thái Bình Dương cuối cùng cũng được hé lộ
Được biết tới kể từ năm 2010, những đốm màu khổng lồ ở Thái Bình Dương đã trở thành một bí ẩn với những ai chứng kiến.
