Phát hiện vùng tử thần nguy hiểm nhất Trái đất: "Thánh địa quái thú"
Các nhà khoa học đã lật lại lịch sử hành tinh và phát hiện ra rằng một khu vực của sa mạc Sahara thực sự là tử địa của Trái đất, nơi sản sinh ra các quái thú kinh dị nhất mọi thời đại.
Một khu vực hình thành đá Cretaceous ở miền Đông Nam Morocco, có cái tên kỳ lạ "Kem Kem Group" vừa được các nhà cổ sinh vật học xác định là nơi nguy hiểm nhất Trái đất, dựa vào các bằng chứng khảo cổ được tìm thấy trong suốt 1 thế kỷ qua.
Kem Kem Group ngày xưa không phải là miền đất chết khô cằn như hiện nay, mà là vùng đồng bằng nhiệt đới với một hệ thống sông rộng lớn, môi trường tuyệt vời cho các loài động vật dưới nước và trên cạn. Đó chính là tiền đề cho sự nguy hiểm của miền đất bởi hệ sinh thái đa dạng là nguồn sống tuyệt vời cho các "quái thú" khổng lồ.
Sa mạc Sahara kỷ Phấn Trắng từng "chồng chất" các loài săn mồi khổng lồ và nguy hiểm nhất lịch sử hành tinh - (ảnh: Davide Bonadonna).
Nếu như ở một vài nơi khác, sự hiện diện của một loài khủng long hay động vật ăn thịt cổ đại khổng lồ đã đủ biến nó thành miền đất kinh dị, những gì người ta tìm thấy tại Sahara vượt ngoài sức tưởng tượng.
Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ – trợ lý giáo sư Nizar Ibrahim thuộc Đại học Detroit Mercy (Mỹ) và Đại học Portsmouth (Anh), lấy ví dụ về hiện trạng của "tử địa" Kem Kem Group 100 triệu năm về trước, "thời hoàng kim" của khủng long kỷ Phấn Trắng. Lúc đó, nơi đây là nhà của 3 dòng họ khủng long săn mồi khổng lồ nhất từng được biết đến: Cararodontosaurus hàm răng cưa; Deltadromus với đôi chân "siêu tốc"; một số "thằn lằn bay sấm sét" pterosaurs khổng lồ. Chưa đủ kinh dị, đây còn là nhà của những kẻ săn mồi đầm lầy – những con cá sấu cổ đại khổng lồ và các loài săn mồi thuộc nhóm "giống cá sấu" mà ngày nay đã tuyệt chủng.
"Đây được cho là nơi nguy hiểm nhất trong lịch sử hành tinh Trái đất, là nơi mà nếu con người có thể du hành thời gian, họ sẽ không sống sót được lâu" – tiến sĩ Ibrahim nhận định.
Nguồn thức ăn chính hấp dẫn những thợ săn nguy hiểm nhất hành tinh này là nguồn cung cấp cá dồi dào tại Sahara kỷ Phấn Trắng. Theo giáo sư David Martill từ Đại học Portsmouth, đồng tác giả, cá thời ấy không phải như những con cá chúng ta thường thấy, mà là những con cá ngoại cỡ, bao gồm cá coelacanth cổ đại và cá phổi khổng lồ. Ngoài ra còn một loài cá nữa vừa là thợ săn, vừa là kẻ bị săn: siêu cá mập nước ngọt Onchopristis với hàm răng như hàng chục con dao găm dài.