Phi thuyền Mỹ sắp bay ra ngoài hệ Mặt Trời
Sau hơn 30 năm bay trong vũ trụ, một tàu của Mỹ sắp thoát khỏi ranh giới của Thái Dương hệ.
Voyager 1 được Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phóng lên từ năm 1977 cùng tàu Voyager 2 để thám hiểm các sao Thiên Vương, Hải Vương, Mộc, Thổ. Sau khi nhiệm vụ chính kết thúc, hai tàu bay về phía rìa hệ Mặt Trời theo hai hướng ngược nhau.
Hiện nay Voyager 1 cách trái đất gần 18 tỷ km. Nó đã khám phá rìa mặt trời từ năm 2004 và chỉ còn phải bay vài tháng tới một năm nữa trước khi ra khỏi hệ Mặt Trời và trở thành phi thuyền đầu tiên của loài người lọt vào không gian liên sao. Tàu còn đủ điện để hoạt động tới tận năm 2020, AP đưa tin.
Ed Stone, một chuyên gia của NASA, cho biết, các nhà khoa học không thể tính toán chính xác thời gian tàu sẽ rời hệ Mặt Trời vì chưa phi thuyền nào du hành xa như Voyager 1.
Trong năm ngoái Voyager 1 sử dụng các thiết bị của nó để khám phá "vùng lặng gió" trong vũ trụ. Đó là vùng chứa các hạt có năng lượng cao từ mặt trời và vùng liên sao. Các hạt mang điện thoát ra theo những cơn gió mặt trời với tốc độ lên tới 1,7 triệu km/h, song khi tới "vùng lặng gió", tốc độ của chúng giảm rõ rệt.
Các nhà khoa học có thể căn cứ vào một số dấu hiệu để biết thời điểm Voyager 1 rời khỏi hệ Mặt Trời - như sự thay đổi hướng của từ trường và sự xuất hiện của gió trong vùng liên sao. So với gió mặt trời, gió trong vùng liên sao chậm, lạnh và đặc hơn.
Tàu Voyager 2 bay chậm hơn so với Voyager 1 nên hiện nay nó cách trái đất khoảng 14 tỷ km.