Phi thuyền Mỹ sẽ lao vào thiên thạch
Một phi thuyền do Mỹ chế tạo sẽ lao vào hai thiên thạch để các nhà khoa học nghiên cứu biện pháp đối phó những tảng "đá trời" có nguy cơ gây họa cho trái đất.
Hình minh họa phi thuyền AIDA của Mỹ lao vào thiên thạch nhỏ hơn trong hệ thiên
thạch Dydimos, trong khi phi thuyền khác của châu Âu (phía trên) quan sát vụ va chạm.
Các quan chức của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) thông báo một phi thuyền nhỏ có tên AIDA (từ viết tắt của Asteroid Impact and Deflection Assessment) của Mỹ sẽ bay tới Dydimos - một hệ thiên thạch đôi - vào năm 2022. Khi đó Dydimos cách trái đất chừng 11 triệu km, Space đưa tin.
Didymos gồm hai thiên thạch có chiều rộng 800m và 150m. Chúng xoay quanh nhau và không có khả năng gây họa cho trái đất trong tương lai.
Phi thuyền của Mỹ sẽ bay vào thiên thạch nhỏ hơn với tốc độ khoảng 22.530km/h, còn một phi thuyền của Cơ quan Vũ trụ châu Âu sẽ ghi lại cảnh đụng độ. Trong khi đó, các thiết bị trên mặt đất cũng sẽ theo dõi cảnh tượng ấy để các nhà khoa học tìm ra cách ngăn chặn một thiên thạch lao trúng trái đất.
"Dự án này có ý nghĩa trên nhiều phương diện, từ khoa học ứng dụng tới khai thác thiên thạch", Andy Cheng, một nhà nghiên cứu của Đại học John Hopkins tại Mỹ, phát biểu. Cheng tham gia dự án AIDA.
Mức độ quan tâm của dư luận đối với thiên thạch trở nên lớn hơn sau khi một thiên thạch lao xuống miền trung nước Nga, giải phóng năng lượng tương đương 20-25 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai. Sau vụ việc này, nhiều chính trị gia và nhà khoa học đã kêu gọi các chính phủ tăng cường khả năng giám sát và ngăn chặn thiên thạch.