Phóng quá nhiều vệ tinh, Elon Musk có gây "ùn tắc giao thông" vũ trụ?
Việc phóng hàng loạt vệ tinh Starlink của SpaceX khiến nhiều tổ chức lớn e ngại vì chiếm quá nhiều khoảng không gian xung quanh Trái đất.
"Có chỗ cho hàng chục tỷ vệ tinh. Một vài nghìn vệ tinh chẳng là gì cả. Nó giống như chỉ có vài nghìn ô tô trên Trái đất - chẳng là gì cả".
Đây là tuyên bố của Elon Musk - CEO kiêm sáng lập của công ty vũ trụ SpaceX, khi ông có góc nhìn thú vị so sánh số lượng vệ tinh ngoài quỹ đạo với hàng tỷ xe ô tô và xe tải đang chạy trên bề mặt Trái đất.
Mỗi "lớp vỏ" trên quỹ đạo quanh Trái đất theo Elon Musk, là đều có diện tích lớn hơn nhiều so với bề mặt hành tinh - với mỗi 10m lại có một lớp vỏ mới ngoài quỹ đạo. Do vậy, việc phóng quá nhiều vệ tinh lên quỹ đạo không hề gây ảnh hưởng đến các hoạt động trong khu vực này.
"Không gian là nơi rộng lớn mênh mông và các vệ tinh lại vô cùng nhỏ bé", Musk lý giải thêm. "Sẽ không phải tình huống mà chúng tôi có thể chặn đường di chuyển của người khác. Chúng tôi sẽ không chặn bất kỳ ai và cũng không mong muốn làm như vậy".
Lời giải thích của Elon Musk được nêu ra trong bối cảnh SpaceX đón nhận hàng loạt chỉ trích từ các tổ chức lớn trên thế giới, khi cho rằng vệ tinh Starlink của công ty này đang chiếm quá nhiều khoảng không ngoài không gian xung quanh Trái đất.
Josef Aschbacher, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Châu Âu ESA, thậm chí cho rằng Elon Musk "đang thiết lập nên quy tắc" cho nền kinh tế ngoài không gian.
"Elon Musk đang vội vàng phóng hàng ngàn vệ tinh liên lạc lên quỹ đạo Trái đất và chiếm hết không gian ngoài quỹ đạo, cũng như tần số liên lạc của những tổ chức khác", ông Aschbacher cho biết trong một tuyên bố.
Việc có quá nhiều vệ tinh làm dấy lên lo ngại "ùn tắc giao thông" trên vũ trụ.
Đầu tháng 12, Trung Quốc cũng từng phàn nàn về việc 2 vệ tinh Starlink đã suýt va chạm với module Trạm Vũ trụ của họ, buộc nước này phải thực hiện các biện pháp kiểm soát phòng ngừa va chạm trong tháng 10 và tháng 7 vừa qua để đảm bảo cho an toàn và tính mạng của các phi hành gia trên quỹ đạo.
Phản bác lại quan điểm của Elon Musk, ông Jonathan McDowell - nhà thiên văn học tại Trung tâm Thiên văn Harvard-Smithsonian, cho rằng các phương tiện bay ngoài không gian di chuyển với tốc độ hơn 27.000 km/h - lớn hơn rất nhiều so với một chiếc ô tô.
Điều này cộng với những chậm trễ trong tín hiệu, khiến các nhà khoa học có rất ít thời gian để điều chỉnh vị trí nhằm tránh xảy ra va chạm. Ngoài ra việc xác định khả năng xảy ra va chạm giữa các vệ tinh cũng khó hơn nhiều so với các xe cơ giới do nhiều yếu tố tác động như quỹ đạo chuyển động của nhiều vệ tinh, các thay đổi trong chuyển động của Mặt Trời.
Ông tính toán rằng, với tốc độ đó, để các vệ tinh có thể kịp tránh né va chạm, mỗi tầng quỹ đạo chỉ có chỗ cho khoảng 1.000 vệ tinh mà thôi.
Tính đến nay, SpaceX đã phóng lên quỹ đạo gần 2.000 vệ tinh cho dịch vụ Internet không gian Starlink của mình và chuẩn bị phóng thêm hàng chục nghìn vệ tinh khác nữa.