Phụ nữ đóng vai trò thế nào trong thời kỳ La Mã cổ đại?
Giá trị của phụ nữ La Mã thời cổ đại phụ thuộc vào người cha và chồng của họ.
Phụ nữ ở thời kỳ La Mã cổ đại dù là công dân tự do hay làm nô lệ đều đóng nhiều vai trò khác nhau: Hoàng hậu, nữ tư tế, chủ cửa hàng, bà đỡ, người vợ hay người mẹ. Và họ giống nhau ở một điểm đó là không có bất kỳ tiếng nói nào trong xã hội.
Giá trị của phụ nữ La Mã thời kỳ này hầu như chỉ được xác định trong mối quan hệ với cha và chồng. Không có bất kỳ phụ nữ La Mã nào được quyền bỏ phiếu, đóng vai trò trực tiếp trong các vấn đề chính trị hoặc quân sự. Họ cũng không đảm nhiệm vai trò chính trong bộ máy nhà nước.
Tuy nhiên, vẫn còn những ánh sáng le lói đấu tranh cho quyền của phụ nữ. Họ là những người có học vấn và địa vị, luôn tìm cách đòi quyền lợi cho chính mình thông qua việc gây ảnh hưởng đến những người đàn ông trong cuộc sống của họ.
Phụ nữ thời La Mã cổ đại đóng nhiều vai trò khác nhau.
Đàn ông La Mã cổ đại viết gì về phụ nữ?
Một học giả đã viết về cô dâu 15 tuổi của mình, người kém ông 25 tuổi sau khi họ kết hôn như sau: "Cô ấy rất thông minh và là một người nội trợ chu toàn. Sự tận tụy của cô ấy đã chứng minh vợ tôi là một người tuyệt vời".
Một số ghi chép về phụ nữ La Mã cổ đại cho thấy, công việc thường ngày của họ là dệt vải, làm việc nhà, nấu ăn và chăm sóc gia đình. Phụ nữ không có quyền đặt tên riêng cho mình và họ luôn phải thể hiện sự khiêm tốn. Bất kỳ người nào vượt ra khỏi khuôn phép đã định sẵn đều sẽ phải trả giá.
Tôn giáo "mở cửa"
Trong khi xã hội La Mã cổ đại được thống trị bởi nam giới thì các vị thần La Mã lại không như thế. Trong số ba vị thần tối cao được người La Mã cổ đại tôn thờ, chỉ có một vị thần Jupiter là nam giới. Hai người còn lại là nữ thần Juno và Minerva, con gái của Jupiter, nữ thần trí tuệ và chiến tranh.
Trước thế kỷ thứ 4, người La Mã theo tín ngưỡng thờ Nữ thần Vesta. Đây là một trong ba nữ thần đồng trinh chính của La Mã, hai nữ thần còn lại là Minerva và Diana. Lò sưởi là biểu tượng vô cùng thiêng liêng đối với nữ thần này. Do đó, việc duy trì ngọn lửa trong lò đặt tại đền thờ là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Người ta cho rằng, ngọn lửa này đại diện cho vận mệnh cũng như sự hưng thịnh của dân tộc. Nếu nó bất chợt phụt tắt, đó là điềm báo cho thấy đại họa sắp giáng xuống. Chính vì thế, trong đền thờ Vesta luôn phải có người túc trực.
Trinh nữ Vestal chính là những người giữ trọng trách duy trì và bảo vệ ngọn lửa ấy. Họ thường cắt cử ra 6 người ăn ngủ luôn trong đền thờ, liên tục canh chừng, giữ ngọn lửa cháy đều suốt cả năm.
Trước thế kỷ thứ 4, người La Mã theo tín ngưỡng thờ Nữ thần Vesta.
Ở nhà nước La Mã cổ đại, tôn giáo gắn liền với chính trị. Các trinh nữ Vestal vì thế được đối đãi bằng sự tôn kính vô bờ. Không có bất kỳ một ai, kể cả nhà vua, được phép xúc phạm đến một trinh nữ Vestal. Nếu có đàn ông nào dám lừa dối, dụ dỗ các Vestal đánh mất sự trong trắng, họ sẽ phải chịu sự trừng phạt khủng khiếp nhất: Bị đánh đến chết bằng roi da.
Phụ nữ La Mã tạo ra sức ảnh hưởng nhất định
Những quyền lợi hạn chế không thể ngăn cản được việc một số phụ nữ La mã cổ đại tri thức, tất cả đều thuộc tầng lớp thượng lưu, tạo ra sức ảnh hưởng thông qua những người đàn ông quyền lực của họ.
Trong đó, điển hình nổi bật hơn cả là Cornelia, con gái của tướng La Mã nổi tiếng Publius Cornelius Scipio Africanus. Được hưởng nền giáo dục bài bản và sinh trưởng trong một gia đình có cha là nhà lãnh đạo quân sự, Cornelia nổi tiếng là cô gái thông minh, sắc sảo.
Sau khi chồng mất sớm, bà trở thành góa phụ trẻ, từ chối tái giá lần nữa để một mình nuôi dạy 3 đứa con. Khi hai con trai của bà đi theo con đường cải cách, người phụ nữ đã lên tiếng ủng hộ các con của mình. Dù sau này hai con của bà bị ám sát nhưng Cornelia vẫn được người dân trọng vọng bởi kiến thức uyên thâm của bà.
Faustina là con gái của hoàng đế Antoninus Pius đã kết hôn với vị vua tương lai Marcus Aurelius và sinh 14 người con. Một trong số những người con của bà về sau thừa kế ngai vàng.
Quyền lợi hạn chế không thể ngăn cản được việc một số phụ nữ La mã cổ đại tri thức.
Bà là người phụ nữ hiếm hoi được phong Augusta, tước vị cao quý nhất mà một nữ giới có thể nhận được. Faustina được quân đội tôn kính khi bà thường xuyên tháp tùng chồng trong các chiến dịch khác nhau.
Nhiều thế kỷ trôi qua, phụ nữ ở La Mã cổ đại ngày càng vượt ra khỏi cái bóng quá lớn của nam giới. Dù chúng ta không thể biết hết được tên của họ nhưng những câu chuyện liên quan đến họ lại xuất hiện trong các di vật mà gia đình để lại.