Quả địa cầu bằng trứng đà điểu của Leonardo da Vinci
Leonardo da Vinci là người đầu tiên tạo ra quả địa cầu mô tả châu Mỹ vào năm 1504 từ trứng đà điểu.
Các chuyên gia không biết quả địa cầu là tác phẩm của Da Vinci khi phát hiện nó vào ngày 16/6/2012 tại hội chợ bản đồ ở London do Hiệp hội Địa lý Hoàng gia tổ chức. Một thương gia người Hà Lan tìm cách bán quả địa cầu như một cổ vật thế kỷ 19. Người này sau đó khai rằng ông ta mua quả địa cầu cùng ngày từ đồng nghiệp. Do đó, xuất xứ của món đồ vẫn là điều bí ẩn.
Quả địa cầu của Da Vinci đặt cạnh những quả trứng đà điểu khác. (Ảnh: National Geographic)
Quả địa cầu được làm từ hai nửa vỏ trứng đà điểu nối với nhau. Vật đối trọng được đặt bên trong nửa vỏ dưới để giữ cho quả địa cầu nằm thẳng đứng. Quả địa cầu có đường kính 11,2 cm và chỉ nặng 134 g. Bản đồ trên bề mặt vật thể vẽ hình tàu bè, núi lửa, thủy thủ, một con quái vật, sóng biển, núi nhọn, sông ngòi và nhiều yếu tố khác cùng với tên địa danh.
Nhà nghiên cứu Stefaan Missinne, người may mắn mua được quả địa cầu, kết luận đây là tác phẩm của Da Vinci dựa trên thực tế vị họa sĩ nổi tiếng thời Phục Hưng đã vẽ nháp hình quả địa cầu năm 1503 trong cuốn sổ tay Codex Arundel.
Theo các nhà nghiên cứu, cả chi tiết trên bản đồ và cách chạm khắc (tạo bởi một người thuận tay trái) đều chỉ ra Da Vinci là tác giả. Bản đồ trên địa cầu sử dụng phối cảnh ngược và Da Vinci là người đưa ra ví dụ đầu tiên của lối vẽ này. Ngoài ra, ở trang 331 của cuốn sổ chép tay Codex Atlanticus năm 1504, Da Vinci viết: el mío mappamondo che ha Giovanni Benci (quả địa cầu của tôi có Giovanni Benci), chứng tỏ ông đã tạo ra một quả địa cầu. Ngày nay, đây không chỉ là quả địa cầu chạm khắc cổ nhất thế giới mà còn là quả địa cầu cổ nhất về châu Mỹ.
Giới nghiên cứu cho rằng quả địa cầu bằng trứng đà điểu là mô hình để Da Vinci tạo ra quả địa cầu Hunt-Lenox, cũng ra đời vào năm 1504. Quả địa cầu bằng đồng này có đường kính 11,2 cm và chu vi 34,5 cm, hiện được lưu giữ ở Thư viện cộng đồng New York.