Quy trình tạo thức ăn chăn nuôi trong 22 giây của Trung Quốc
Các chuyên gia tìm ra cách tạo protein mới dùng cho thức ăn chăn nuôi từ khí công nghiệp với thời gian chỉ trong 22 giây.
Các nhà khoa học Trung Quốc tìm ra phương pháp tạo ra thức ăn chăn nuôi từ CO ở quy mô công nghiệp - một đột phá có thể giúp nước này giảm phụ thuộc vào đậu nành nhập khẩu, SCMP hôm 31/10 đưa tin.
Trung Quốc nhập khẩu lượng lớn đậu nành mỗi năm, đa số dùng cho thức ăn chăn nuôi. (Ảnh: EPA-EFE)
Phương pháp mới sử dụng khí thải chứa CO và CO2, một phụ phẩm của các quá trình công nghiệp như lọc dầu, để tạo ra protein tế bào tổng hợp gọi là Clostridium autoethanogenum, theo nhóm nghiên cứu tại công ty Công nghệ Sinh học Beijing Shoulang và Viện Nghiên cứu Thức ăn chăn nuôi thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc (CAAS). Khí thải trải qua một loạt các quá trình xử lý bao gồm lên men, oxy hóa, chưng cất và khử nước, giúp chuyển nitơ và carbon thành chất hữu cơ.
Trước đó, các nhà khoa học đã biết protein có thể sản xuất theo cách trên. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu Trung Quốc cho biết, tốc độ và hiệu suất của quy trình do họ phát triển giúp phương pháp này khả thi ở quy mô công nghiệp. Hiện tại, họ đã có khả năng sản xuất hàng chục nghìn tấn một năm.
Thành tựu mới sẽ thay đổi cách sản xuất truyền thống của protein tự nhiên, cung cấp một "vũ khí sắc bén" cho ngành thức ăn chăn nuôi từ protein đậu nành, đồng thời phục vụ mục tiêu không thải khí nhà kính và giúp các quy trình công nghiệp trở nên xanh hơn, theo Dai Xiaofeng, viện trưởng Viện Nghiên cứu Thức ăn chăn nuôi.
"Nếu các nhà sản xuất thép, nhà máy điện than, công ty hóa dầu và nhà máy xử lý than đá ở Trung Quốc có thể áp dụng công nghệ này, đây sẽ là cuộc cách mạng carbon giúp cải tiến chu trình carbon, các quá trình khai thác và thu giữ carbon, đem lại những lợi ích nổi bật về kinh tế, xã hội, sinh thái và ý nghĩa chiến lược lớn", Dai nói.
Trung Quốc hiện không thể sản xuất đủ lương thực để đáp ứng ngành chăn nuôi phát triển nhanh, do đó mỗi năm nước này nhập khẩu hơn 100 triệu tấn đậu nành mỗi năm, chiếm khoảng 80% tổng lượng tiêu thụ. Việc sản xuất được 10 triệu tấn protein tế bào Clostridium autoethanogenum một năm bằng công nghệ mới sẽ tương đương với việc nhập khẩu 28 triệu tấn đậu nành, theo Xue Min, chuyên gia tại CAAS, thành viên nhóm nghiên cứu.
Quá trình tổng hợp tự nhiên của protein thường diễn ra trong thực vật hoặc trong các vi sinh vật cụ thể của thực vật, đòi hỏi sự quang hợp tự nhiên và nhiều quá trình sinh học phức tạp. Nhưng quá trình này rất chậm và kém hiệu quả, dẫn đến hàm lượng protein thấp. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết, phương pháp mới có thể khắc phục những hạn chế này và tạo ra chất có hàm lượng protein cao chỉ trong 22 giây.