Rác vũ trụ lao vào phòng ngủ
Sau khi nghe thấy tiếng động lớn trên mái nhà, cụ Peter Welton ngẩng lên và nhìn thấy một vật thể đỏ rực. May mắn thay, nó không rơi trúng cụ.
Miếng kim loại rơi xuống nhà cụ Welton nặng khoảng 2,2 kg. Ảnh: Daily Mail.
Daily Mail cho biết, sự việc xảy ra tại thành phố Hull, hạt Humberside, Anh vào tháng 7 và vừa được công bố kết quả điều tra cách đây vài ngày. Người đàn ông 76 tuổi đang ở trong phòng ngủ thì nghe thấy một tiếng động lớn. Ngay sau đó ông nhìn thấy một thứ to bằng quả bóng đá đâm thủng mái nhà và lao xuống.
"Tôi thực sự choáng váng. Nếu miếng kim loại đó rơi xuống đường phố thì có lẽ nó đã gây chết người", Welton nói.
Do miếng kim loại quá nóng nên cụ Welton không thể dùng găng tay để nhặt nó. Vì thế mà cụ gọi cảnh sát. Giới chức đã yêu cầu Bộ Quốc phòng điều tra sự việc sau khi nhiều người cho rằng vật thể rơi từ một máy bay quân sự.
Các chuyên gia của Bộ Quốc phòng Anh khẳng định vật thể rơi xuống nhà cụ Welton là rác từ vũ trụ. Nó nặng khoảng 2,2 kg. Vật thể đã di chuyển từ vị trí cách trái đất vài trăm km trước khi chạm đất. Nó đỏ rực do quá trình cọ xát với không khí ở tốc độ cực lớn.
Cụ Welton đứng trước ngôi nhà ở thành phố Hull. Ảnh: Daily Mail. |
Không quân Hoàng gia Anh thông báo với cụ Welton rằng miếng kim loại có thể là một phần của một tàu vũ trụ hoặc vệ tinh không còn được sử dụng.
Jeff Brock, người phát ngôn của không quân hoàng gia Anh, nói: "Sau khi hỏi ý kiến Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ và Cơ quan Vũ trụ châu Âu, chúng tôi kết luận vật thể là rác vũ trụ. Nó đã bay quanh trái đất trong ít nhất một thập kỷ. Đây là miếng rác vũ trụ đầu tiên mà chúng tôi có".
Kể từ khi Liên Xô (cũ) đưa vệ tinh Sputnik 1 vào không gian cách đây 51 năm, loài người đã tạo ra hàng chục triệu mảnh rác trong vũ trụ. Theo Daily Mail, miếng rác vũ trụ lớn nhất vẫn đang bay quanh trái đất là một vệ tinh viễn thông có tên Vanguard 1. Nó được Mỹ phóng lên vào năm 1958, song ngừng hoạt động vào năm 1964.
Ảnh minh họa vị trí rơi của miếng rác vũ trụ tại thành phố Hull. Ảnh: Daily Mail. |
Phần lớn rác vũ trụ sẽ bốc cháy trong bầu khí quyển khi rơi xuống mặt đất. Nhưng các vật thể lớn có thể chạm đất do không cháy hết. Chúng thường rơi xuống Thái Bình Dương hoặc những khu vực ít dân cư.
Từ trước tới nay người ta mới ghi nhận một trường hợp người bị trúng rác vũ trụ. Vào năm 1997, một miếng kim loại có chiều dài gần 13 cm rơi trúng vai Lottie Williams - một công dân ở bang Oklahoma, Mỹ. Về sau các chuyên gia xác nhận miếng kim loại rơi ra từ thùng nhiên liệu của một quả tên lửa được phóng từ năm ngoái. Nạn nhân không bị thương bởi cú va chạm.