Sao băng khổng lồ rơi xuống Đại Tây Dương
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mới đây thông báo một vụ nổ thiên thạch tạo thành "quả cầu lửa khổng lồ" đã rơi xuống Đại Tây Dương.
Sao băng khổng lồ đã rơi xuống phía nam Đại Tây Dương vào đầu tháng này và dường như không để lại dấu vết gì, trang mạng Daily Mail của Anh dẫn NASA cho biết.
Vụ việc trên xảy ra vào khoảng 14h00 giờ UTC vào ngày 6/2 khi một thiên thạch phát nổ cách 1.000km ngoài khơi bờ biển phía nam của Brazil. Vụ nổ trên, theo NASA, phát ra năng lượng khoảng 13.000 tấn thuốc nổ TNT, tương đương năng lượng trong vụ ném bom nguyên tử san bằng thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.
"Tác động của vụ nổ thiên thạch (tại Đại Tây Dương) khá nhỏ. Kết quả là, bạn thậm chí còn không nghe gì về vụ nổ này vài tuần sau khi nó xảy ra", nhà thiên văn học Plaits viết trong một phân tích chuyên sâu đăng trên blog Slate của mình.
Một thiên thạch chuẩn bị lao vào khí quyển trái đất. (Ảnh: Dailymail).
"Nếu thiên thạch rơi vào khu đông dân cư sinh sống, thì nó đã tàn phá nhiều nhà cửa và khiến rất nhiều người sợ hãi. Tuy nhiên, vụ nổ thiên thạch không gây hậu quả nào", Ron Baalke, một nhà nghiên cứu khác tại NASA, cho biết trên trang mạng xã hội Twitter.
Nhà thiên văn học Plaits ước tính dựa trên năng lượng của vụ nổ thiên thạch tại Đại Tây Dương, thì nó (thiên thạch) có bề rộng chừng 5-7m.
Trước đó tháng 2/2013, vụ nổ thiên thạch tại thành phố Chelyabinsk của Russia, khiến hơn 1.600 người bị thương. Sao băng này có đường kính khoảng 18m, lao vào bầu khí quyển trái đất với vận tốc 18.500m/s và phần lớn các mảnh vỡ của thiên thạch rơi xuống hồ Chebarkul.
Vụ nổ thiên thạch này phát ra một năng lượng tương đương 500.000 tấn thuốc nổ TNT, gấp gần 40 lần so với vụ nổ thiên thạch tại phía nam Đại Tây Dương, theo nhà thiên văn học Phil Plait.
NASA cho biết tổ chức này đang theo dõi 12.992 thiên thể đang bay chung quanh trái đất thuộc Thái Dương hệ, trong đó khoảng 1.607 thiên thạch có khả năng gây nguy hại.
Mỗi năm có khoảng 30 vụ thiên thạch kích cỡ nhỏ bị đốt cháy khi rơi vào bầu khí quyển trái đất. Bởi phần lớn bề mặt trái đất được bao phủ bằng đại dương nên các vụ rơi thiên thạch phần lớn không ảnh hưởng đến các khu dân cư, theo NASA.