Sao băng mang đá xanh biếc tựa ngọc lục bảo đến Trái Đất
Viên đá xanh giống hệt ngọc lục bảo có thể đã đến Trái Đất qua vụ nổ thiên thạch lớn nhất trong lịch sử loài người.
Theo The Siberian Times, viên đá bán trong suốt được tìm thấy sâu trong rừng cây lá kim trên bờ dốc của sông Metlyakovka chảy vào sông Kan ở thành phố Krasnoyarsk, Nga. Tùy theo ánh sáng, nó ánh màu xanh lá cây, xanh dương và cả da cam.
Nhà sử gia và địa chất học Lidiya Korshunova cho biết chồng bà tìm thấy viên đá khi đang leo núi với bạn cách đây gần 4 năm. Lúc đầu, chồng Korshunova nghĩ nó là một loại thủy tinh nhân tạo có nguồn gốc từ khu mỏ bỏ hoang gần đó và đặt viên đá trong bể cá để trang trí.
Viên đá xanh biếc có nguồn gốc từ ngoài vũ trụ. (Ảnh: Lidiya Korshunova).
Sau khi đọc bài báo của nhà địa hóa học và khoáng vật học người Xô Viết Vladimir Vernadsky, Korshunova bắt đầu nghi ngờ xuất xứ của viên đá. Kết quả phân tích cho thấy so với thủy tinh thông thường, viên đá chứa lượng nickel lớn gấp 7,5 lần, lượng đồng lớn gấp 6 lần, lượng kẽm lớn gấp 20 lần, lượng coban lớn gấp 3 lần, lượng titan lớn gấp 3 lần và lượng chrome lớn gấp 40 lần. Korshunova kết lận viên đá không phải sản phẩm nhân tạo.
Lượng khoáng chất tương tự cũng được tìm thấy ở khoáng thạch tektite, khiến một số viên đá có màu xanh lá cây. Chúng hình thành khi mảnh vụn nóng chảy của vụ nổ sao băng bắn rải rác trong không khí.
Evgeny Dmitriev, cựu chuyên gia ở Cơ quan Vũ trụ Nga cho rằng viên đá đến Trái Đất thông qua sao băng Tunguska, phát nổ vào ngày 30/6/1907 ở Siberia và san phẳng khu vực rộng 2.000km2. Vụ nổ thiên thạch này được coi là lớn nhất trong lịch sử loài người khi đốn gãy 80 triệu cây cổ thụ. Vị trí viên đá được tìm thấy cách trung tâm Tunguska 670km. Nó đang được trưng bày tại thị trấn Zelenogursk và mang tên Kanskit theo tên sông Kan.