Sao chổi màu xanh lục sắp bay qua Trái đất

Sao chổi C/2020 F8 (SWAN) sẽ tiếp cận gần Trái Đất nhất vào giữa tháng 5 trước khi lao về phía Mặt Trời và phân rã.

C/2020 F8 là một thiên thể tương đối nhỏ có màu xanh lục, được phát hiện lần đầu tiên vào tháng trước bởi nhà thiên văn học nghiệp dư Michael Mattiazzo dựa trên các quan sát từ thiết bị SWAN trên Tàu quan sát Mặt Trời và Nhật quyển. Tính đến ngày 5/5, sao chổi chỉ còn cách Trái đất khoảng 98 triệu km và bay với tốc độ 137.000km/h. 


Sao chổi C/2020 F8 chụp ngày 2/5. (Ảnh: Damian Peach).

Theo tính toán của NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), C/2020 F8 sẽ tiếp cận gần Trái Đất nhất vào ngày 13/5 ở khoảng cách 85 triệu km với độ sáng có thể quan sát thấy bằng mắt thường. Một vài tuần sau đó, thiên thể đạt tới điểm cận nhật (vị trí gần Mặt Trời nhất) ở khoảng cách 64 triệu km tính từ ngôi sao.

Khi sao chổi di chuyển tới gần Mặt Trời, nó sẽ bị phân rã với lượng phóng xạ tăng cao. Quá trình này giải phóng khí bụi, hình thành hai chiếc đuôi phía sau sao chổi và tạo ra một bầu khí quyển tạm thời - được gọi là coma - xung quanh hạt nhân của vật thể.

Trong khi đuôi khí được hình thành do tác động của các hạt tích điện từ gió Mặt Trời lên các phân tử khí do sao chổi giải phóng, đuôi bụi là kết quả của sự tương tác giữa các hạt photon phát ra từ Mặt Trời với bụi bốc lên từ coma, nhóm nghiên cứu giải thích.

"Ngay bây giờ, C/2020 F8 có thể được nhìn thấy qua ống nhòm và kính viễn vọng ở Nam bán cầu", Rick Fienberg, phát ngôn viên từ Hiệp hội Thiên văn học Mỹ cho biết. Cường độ sáng của sao chổi đang tăng dần và trên lý thuyết, nó có thể được quan sát bằng mắt thường khi tiếp cận gần Trái đất nhất. 

Tuy nhiên, khả năng nhìn thấy sao chổi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bóng tối, điều kiện bầu trời quang đãng hay kích thước của vật thể. Ô nhiễm ánh sáng nhân tạo, kết hợp với trăng tròn, có thể cản trở cơ hội chiêm ngưỡng C/2020 F8 vào tuần tới.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất