Sao Hỏa tỏa sáng cùng với trăng máu dài nhất thế kỷ
Đêm 27-7 (giờ GMT, tức rạng sáng 28-7 giờ Việt Nam), người quan sát thiên văn sẽ có dịp chứng kiến cùng lúc 2 thiên thể đỏ rực trên bầu trời: mặt trăng máu dài nhất thế kỷ và sao Hỏa với độ sáng gần cực đại.
Trăng máu hay nguyệt thực dài nhất thế kỷ, kéo dài hơn 5 giờ với phần nguyệt thực toàn phần khoảng 1 giờ 45 phút, là hiện tượng thiên văn được trông đợi nhất trong tháng 7 này. Tuy nhiên, theo tính toán của NASA, bầu trời đêm 27/7 còn đáng để chiêm ngưỡng bởi cuộc trình diễn đồng thời của sao Hỏa, sao Mộc và có thể là cả Trạm Không gian Quốc tế ISS.
Ảnh đồ họa cách mà trăng máu và sao Hỏa sẽ cùng xuất hiện trên trời đêm - (ảnh: Wire Feeds).
Đáng chú ý nhất là sao Hỏa, thiên thể màu đỏ thứ hai sẽ xuất hiện chếch phía dưới mặt trăng khi trăng máu đang nhạt dần, nhỏ hơn nhưng không kém phần rực rỡ. Hành tinh này sẽ vào giai đoạn tiến gần trái đất nhất trong suốt nhiều năm và lần đầu tiên kể từ năm 2003 đạt được độ sáng gần cực đại khi quan sát từ trái đất.
Ở nhiều góc độ, người quan sát còn có thể thấy sao Mộc, cũng đang nằm ở vị trí gần trái đất, chếch về phía Tây Nam so với trăng máu. Sao Mộc sẽ sáng lên trong ánh sáng trắng như đa số các ngôi sao khác. Ngoài ra, hình dáng đồ sộ của Trạm Không gian Quốc tế ISS cũng có thể được quan sát từ nhiều khu vực.
Việt Nam may mắn nằm trong khu vực có thể chiêm ngưỡng trăng máu đầy đủ hàng thứ hai theo phân loại 5 khu vực có thể quan sát trăng máu từ toàn phần cho đến chỉ có thể thấy một phần nhỏ. Theo giờ Việt Nam, trăng máu sẽ bắt đầu xuất hiện từ 0 giờ 24 phút, kết thúc vào 5 giờ 43 phút ngày 28/7, trong đó giai đoạn toàn phần kéo dài từ 2 giờ 30 phút đến 4 giờ 13 phút, đạt đỉnh lúc 3 giờ 21 phút 44 giây.
Bạn có thể truy cập bản đồ 3D giúp xác định thời điểm quan sát trăng máu tùy theo nơi bạn sống tại ĐÂY.
- Việt Nam có hơn 5 giờ quan sát nguyệt thực toàn phần
- Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ sẽ diễn ra vào tháng 7
- Khu vực nào ở Việt Nam có thể xem nguyệt thực dài nhất thế kỷ?