Sao Hỏa và sao Kim: những tương đồng đáng ngạc nhiên
Sao Hỏa và sao Kim vẫn được cho là rất khác nhau, nhưng lại có nhiều điểm tương đồng hơn mọi người vẫn nghĩ. Hai phi thuyền gần như giống hệt nhau bay xung quanh sao Hỏa và sao Kim đã so sánh bầu khí quyển của hai hành tinh này và phát hiện ra những điểm tương đồng đáng ngạc nhiên của chúng.
Hai phi thuyền Mars Express và Venus Express hiện đang đi theo quỹ đạo xung quanh hai hành tinh này đã thu thập những số liệu về bầu khí quyển của chúng khi tiếp xúc với bức xạ mặt trời. Dữ liệu cho thấy những phân tử mang điện từ lớp khí xung quanh cả hai hành tinh đang bị mất đi do bão và gió mặt trời.
David Brain, nhà khoa học hành tinh tại Đại học California, Berkeley và là điều tra viên hỗ trợ cho tàu Venus Express cho biết: “Sao Hỏa và sao Kim rất khác biệt. Bầu khí quyển của sao Kim rất dày, khô và nóng trong khi của sao Hỏa thì mỏng và lạnh. Tuy nhiên, những tiến trình tương tự đang xảy ra trên cả hai hành tinh.”
Cả hai bầu khí quyển sao Hỏa và sao Kim có khoảng 95% là khí CO2. Hiện nay phần lớn bầu khí quyển của trái đất là ni-tơ nhưng các nhà khoa học nghĩ rằng nó từng khá giống với những hành tinh đầy đá khác.
Vì cả hai hành tinh láng giềng của chúng ta đều không có từ trường bảo vệ, gió mặt trời có thể tiếp xúc trực tiếp tự do với bầu khí quyển của cả hai hành tinh. Bức xạ mặt trời cung cấp năng lượng cho các phân tử khí quyển để chúng có thể tăng tốc và thoát khỏi hành tinh. Trái đất tránh được các bức xạ mặt trời nhờ vào cầu trường bảo vệ.
Brain cho biết: “Những kết quả này thực sự nhấn mạnh trái đất là một nơi đặc biệt đến mức nào và chúng ta thật may mắn khi được từ trường trái đất bảo vệ.”
Bằng cách phân tích những dữ liệu quý giá của phi thuyền, các nhà khoa học hy vọng sẽ biết được khí hậu của hai hành tinh đã thay đổi như thế nào và so sánh sự tiến hóa của chúng với khí quyển trái đất. Brain nói: “Chúng tôi thực sự muốn biết tại sao trái đất lại khác biệt với sao Hỏa, sao Kim, tại sao những hành tinh bên trong lại khác những hành tinh bên ngoài. Là một nhà khoa học, thật ngạc nhiên khi có những số liệu tương tự nhau tại hai hành tinh cùng lúc.”
Vào tháng 12 năm 2006, một cơn bão mặt trời đã giải thoát những luồng phân tử điện ra ngoài. Sao Hỏa và sao Kim bị tấn công bởi bức xạ khiến cho các phân tử của bầu khí quyển thu năng lượng và thoát khỏi chúng. Sao Hỏa mất những phân tử khí quyển nhanh gấp 10 lần bình thường.
Brain cho rằng: “Tôi vẫn nghĩ rằng bão mặt trời giống như những cơn sóng thần trong bầu khí quyển của các hành tinh. Nó có cường độ cao và cản trở nhiều thiết bị của chúng ta. Chúng ta thật may mắn khi đứng vào vị trí người quan sát nhưng các cơn bão này không hề tốt cho các bầu khí quyển chút nào.”