Sâu lạ ăn ngao ở Ninh Bình là "giun biển"
Loài giun ăn ngao xuất hiện là dấu hiệu môi trường biển ô nhiễm nghiêm trọng.
Hiện tượng hàng chục hecta ngao giống ven biển Kim Sơn (Ninh Bình) bị sâu lạ ăn được các nhà khoa học nhận định là "chưa từng có tiền lệ". Trong tự nhiên ít loài nào có thể ăn được con ngao, bởi ngao có vỏ cứng và sống dưới lớp cát mềm.
Những con sâu lạ ăn ngao ở biển Ninh Bình. (Ảnh: Lê Hoàng).
Người dân dùng đăng bắt được rất nhiều sâu ăn ngao biển. (Ảnh: Lê Hoàng).
Ông Đỗ Công Thung, Phòng Sinh thái tài nguyên động vật biển, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển cho rằng: "đây là một loài giun, xuất hiện có thể do ô nhiễm môi trường biển. Loài giun này phát triển giống như một chỉ thị thể hiện môi trường đang xấu đi".
Theo quan sát của người dân và cán bộ Nông nghiệp địa phương, loài giun này thường dài 3-5cm, có gai hai bên mình, bụng phình lên khi ăn ngao. Chúng sinh sôi, phát triển nhanh với mật độ 20-30 con/m2, chủ yếu tấn công ở giai đoạn ngao tấm và ngao cúc (loại nhỏ như khuy áo trở xuống).
Các nhà khoa học thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường Biển đang tiếp tục nghiên cứu để xác định loại giun này là loài gì, khả năng gây hại của chúng và cách thức xử lý.
Phòng Nông nghiệp huyện Kim Sơn đã khuyến cáo người dân hạn chế thả thêm ngao giống, dùng biện pháp thủ công như giăng lưới, quây đăng để diệt trừ sâu biển, không sử dụng chất cấm, chất độc hại làm ảnh hưởng đến môi trường vùng bãi.