Siêu bão Ida mạnh lên cực nhanh do đâu?
Rất lâu trước khi bão Ida đổ bộ vào miền nam bang Louisiana hôm 26/8, nhà khí tượng học David Keellings đã hết sức kinh hãi trước sức mạnh của cơn bão.
Khi cơn bão tràn qua cực phía tây của Cuba và di chuyển qua vịnh Mexico, Keellings, trợ lý giáo sư ở Đại học Florida đã biết Ida sẽ trở nên dữ dội và đáng sợ. Ngay lúc cơn bão bắt đầu lướt qua vùng biển ấm khác thường của vịnh Mexico (một số khu vực có nhiệt độ lên tới 30 độ C, thậm chí ở độ sâu hơn 30 m), tình hình xấu đi nhanh chóng. Trong 24 giờ tiếp theo, cơn bão trải qua quá trình tăng cường độ nhanh chóng (rapid intensification), phát triển từ bão cấp 1 lên bão cấp 4 không lâu trước khi tới vùng ven biển. "Tôi đã nghĩ: Ôi trời, cơn bão này diễn biến quá nhanh và quá gần bờ. Nó sẽ gây hậu quả nghiêm trọng", Keellings chia sẻ.
Thị trấn Grand Isle ở sườn phía đông mắt bão Ida. (Ảnh: Ben Depp/National Geographic)
Keellings và các nhà khoa học khác theo dõi sát sao quá trình tăng cường độ của bão Ida. Dù bão là hệ thống sinh ra từ tác động qua lại phức tạp giữa những quá trình vận động trong đại dương và khí quyển, các chuyên gia cho biết cách bão Ida hình thành và tiến triển là điển hình của loại bão gắn liền với biến đổi khí hậu. Theo Gabriel Vecchi, giáo sư khoa học địa chất ở Đại học Princeton, đó là vấn đề đáng lo ngại trong những thập kỷ tới.
Giới nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu chính xác tại sao một số cơn bão mạnh lên nhanh như vậy. So với các hiện tượng cực đoan khác như nắng nóng, hạn hán hoặc cháy rừng, việc tìm ra tác động của biến đổi khí hậu lên từng cơn bão khó khăn hơn nhiều. Nhưng rõ ràng, hiện tượng ấm lên toàn cầu đang tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để những cơn bão trở nên mạnh hơn.
Nghiên cứu công bố năm ngoái trên tạp chí Proceedings of the National Academies of Sciences phân tích ảnh vệ tinh trong 4 thập kỷ qua và phát hiện khả năng một bão phát triển thành bão cấp 3 hoặc cao hơn tăng khoảng 8% mỗi thập kỷ do hiện tượng ấm lên toàn cầu xảy ra ngày càng nhanh. Không chỉ tăng cường độ mạnh của bão, biến đổi khí hậu còn khiến bão ẩm ướt hơn, trút xuống lượng mưa khổng lồ.
"Cơ chế khiến bão ẩm ướt hơn trong tình hình khí hậu ấm lên thực sự dễ hiểu", Vecchi giải thích. "Khí quyển ấm hơn chứa nhiều hơi ẩm hơn, dẫn tới bão gây mưa nhiều hơn".
Các nhà khoa học ước tính nhiệt độ cứ ấm hơn 1 độ C, khí quyển có thể chứa thêm 7% hơi ẩm. Sau khi đổ bộ vào Port Fourchon, bão Ida tàn phá Louisiana với sức gió hơn 274 km/h và lượng mưa 38 cm ở nhiều nơi. Nhà chức trách cũng ghi nhận sóng cồn cao 2,1 m ở nhiều nơi tại vùng ven biển bang Louisiana và Mississippi.
Mực nước biển dâng lên do biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ ngập lụt từ sóng cồn, hình thành khi gió đẩy nước từ đại dương và đất liền. Theo Vecchi, mực nước biển càng cao, sóng cồn càng gây thiệt hại nặng nề hơn. Giới nghiên cứu vẫn chưa rõ hiện tượng ấm lên toàn cầu có kéo theo mưa bão xuất hiện thường xuyên hơn không, nhưng nhiệt độ mặt biển ấm hơn đang làm tăng nguy cơ xuất hiện bão mạnh.
Tháng 8/2017, bão Harvey ập tới vùng đông nam bang Texas, trút 152 cm nước mưa xuống nhiều nơi tại Houston và khu vực xung quanh. Một nghiên cứu công bố cuối năm đó trên tạp chí Geophysical Review Letters phát hiện lượng mưa từ bão Harvey cao hơn 38 % so với lượng mưa dự kiến nếu không có hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Tính đến nay, lượng mưa do bão Ida trút xuống Louisiana không nhiều như bão Harvey, nhưng bão Ida sẽ vượt qua thung lũng Tennessee tới vùng đông bắc trong những ngày tới và mưa lớn là mối lo ngại lớn nhất, theo nhà khí tượng học ở bang Texas, John Nielsen-Gammon, giáo sư khoa học khí quyển ở Đại học Texas A&M. Ngay cả khi tổng lượng mưa không sánh bằng bão Harvey, những nơi ở sâu trong đất liền thường có lượng mưa thấp, vì vậy các địa phương đó chưa chuẩn bị đầy đủ để đối phó với 38 cm nước mưa trong một ngày.
Những vùng đất rộng lớn trên đường đi của cơn bão, bao gồm Tennessee, cũng có mùa hè ẩm ướt, có nghĩa lượng nước cao hơn thông thường và đất ẩm hơn, làm tăng nguy cơ ngập lụt. "Rất dễ để tập trung vào vùng trung tâm, nhưng tác động của cơn bão có thể trải rộng hàng kilomet", Keellings nói. "Khi cơn bão di chuyển tới miền trung nước Mỹ, qua Mississippi, Tennessee, phía bắc bang Alabama và Georgia, chúng ta rất cần theo sát diễn biến của nó".