Siêu bão Mặt Trời ươm mầm sự sống trên Trái Đất
Siêu bão Mặt Trời liên tiếp bắn phá các hạt năng lượng cao xuống Trái Đất, hâm nóng bề mặt địa cầu và thúc đẩy phản ứng hóa học có lợi cho sự sống diễn ra.
Discovery News đưa tin, các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân khiến Trái Đất ấm lên đủ để nước xuất hiện trên bề mặt địa cầu, điều kiện cần thiết cho sự sống phát triển.
Theo một nhóm các nhà vật lý thiên văn thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), yếu tố góp phần hình thành sự sống trên Trái Đất là hiện tượng có tên siêu bão Mặt Trời, những cơn bão lửa xảy ra thường xuyên với cường độ mạnh, phát tán hạt năng lượng cao về phía Trái Đất thuở mới hình thành.
Siêu bão Mặt Trời bắn phá hạt năng lượng cao về phía Trái Đất. (Ảnh minh họa: CS Monitor).
Mô hình máy tính cho thấy các hạt mang năng lượng dội đến từ Mặt Trời gần như hàng ngày đè nén từ trường Trái Đất và tạo ra lỗ hổng ở vùng cực. Sau đó, các hạt này xuyên qua khí quyển, kích hoạt một loạt phản ứng hóa học dẫn đến phát sinh nitơ oxit, loại khí gây hiệu ứng nhà kính và hydro xyanua, một hợp chất thiết yếu cho sự sống, theo nghiên cứu công bố đầu tuần trên tạp chí Nature Geoscience.
Trái Đất đủ ấm để nước lỏng chảy trên bề mặt từ 4 tỷ năm trước. Dấu hiệu đầu tiên của đời sống vi khuẩn lưu lại trên hóa thạch đá cũng có cùng niên đại. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học cố gắng giải thích "nghịch lý Mặt Trời trẻ mờ nhạt", vấn đề do hai nhà thiên học Carl Sagan và George Mullen nêu ra vào năm 1972.
"Vấn đề gây khó hiểu là tại sao Trái Đất không bị đóng băng vĩnh viễn trong điều kiện Mặt Trời chiếu sáng yếu", Ramses Ramirez, nhà khoa học ở Đại học Cornell, Mỹ, chia sẻ.
Giả thuyết mới được suy ra từ dữ liệu do kính viễn vọng vũ trụ Kepler thu thập cho sứ mệnh tìm kiếm hành tinh quay quanh những ngôi sao tương tự Mặt Trời. Ánh sáng phát ra từ những ngôi sao có thể tạm thời yếu đi do hành tinh di chuyển phía trước ngôi sao mẹ. Nhưng sự thay đổi cũng có thể đến từ những sự kiện khác như siêu bão Mặt Trời. Siêu bão Mặt Trời mạnh gấp ba lần cơn bão lửa lớn nhất diễn ra năm 1859 mang tên sự kiện Carrington, tạo ra Bắc Cực quang ở Nam bán cầu.
"Mục tiêu của tôi là tính toán sự ấm lên do hiệu ứng nhà kính do mật độ khí gas và xác định mức độ có đủ để bù đắp cho vấn đề Mặt Trời trẻ chiếu sáng yếu hay không", Ramirez nói. "Nghiên cứu cho thấy hoạt động của Mặt Trời thuở sơ khai mở ra cơ hội cho đời sống vi khuẩn trên Trái Đất".