Siêu tên lửa mạnh nhất lịch sử NASA sắp khai hỏa: Dẫn lối cho kỷ lục thế giới nào?

Hệ thống Phóng Không gian, gọi tắt là SLS, là một phương tiện được phát triển bởi NASA sẽ đặt nền móng cho con người khám phá không gian bên ngoài quỹ đạo Trái Đất trong thế kỷ 21.

Tính cho đến nay, SLS là tên lửa mới nhất mà NASA đã dày công phát triển trong nhiều năm. SLS cũng mạnh nhất, cao nhất và nặng nhất trong lịch sử NASA. Điều đặc biệt ở SLS là bất cứ điều gì NASA học được từ các tên lửa và các nhiệm vụ không gian trước đó, đặc biệt là các nhiệm vụ trên Mặt trăng, đều đã được áp dụng để cải tiến cho tên lửa SLS.

Với tốc độ tiến triển nhanh chóng của mọi thứ đối với SLS, ngày phóng dự kiến cho sứ mệnh Artemis I có khả năng cao sẽ đến chỉ trong năm nay. Cụ thể là khoảng thời gian nào?

NASA ấn định ngày SLS bay

Kể từ khi siêu tên lửa Mặt trăng SLS (Hệ thống Phóng vào Không gian) và tàu vũ trụ Orion gắn trên đỉnh SLS quay trở lại Tòa nhà Lắp ráp Phương tiện (VAB) tại Trung tâm Không gian Kennedy của NASA ở bang Florida (Mỹ) vào ngày 2/7/2022, các kỹ sư NASA đã mở rộng các bệ tiếp cận xung quanh tên lửa và tàu vũ trụ để thực hiện sửa chữa cũng như thực hiện các thủ tục cuối cùng trước khi đưa tổ hợp tên lửa-tàu vũ trụ quay trở lại bệ phóng 39B để thực hiện sứ mệnh Artemis I.

Giám đốc hệ thống thăm dò của NASA, Jim Free cho biết, cơ quan vũ trụ của Mỹ đang nhắm mục tiêu phóng siêu tên lửa mạnh nhất thế giới SLS trong khoảng từ ngày 23/8/2022 đến ngày 6/9/2022 cho sứ mệnh Artemis I - Sứ mệnh tiền đề trong chuỗi Artemis ba giai đoạn nhằm đưa người tái đổ bộ Mặt trăng trong thế kỷ 21 vào năm 2025.

Nếu sứ mệnh Artemis I thành công, nó sẽ lập kỷ lục đưa tàu vũ trụ (dành cho phi hành gia, cụ thể là tàu Orion) ở lâu trong không gian nhất từ trước đến nay.

Để chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho chuyến phóng thẳng lên Mặt trăng của SLS (với tàu vũ trụ Orion chưa có phi hành gia, gắn trên đỉnh SLS), đội ngũ kỹ thuật viên NASA đang làm việc chăm chỉ trong công việc kiểm tra, thử nghiệm và sửa chữa thiết bị được xác định là nguồn gây rò rỉ hydro trong cuộc diễn tập tiền phóng của SLS ngày 20/6/222.


Hình ảnh tên lửa SLS với tàu vũ trụ Orion (màu trắng) gắn trên đỉnh, tại Tòa nhà Lắp ráp Phương tiện (VAB). (Nguồn: NASA)

Làm việc song song với những sửa chữa đó, các kỹ sư cũng thực hiện kiểm tra các kỹ thuật cuối cùng còn lại, là một phần của hoạt động kiểm tra tích hợp trong Tòa nhà Lắp ráp Phương tiện (VAB).

Ngoài ra, các đội phóng cũng thực hiện các công việc đã được lên kế hoạch trước đó trên tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion. Các kỹ sư đã hoán đổi một máy tính trên Giai đoạn đẩy đông lạnh tạm thời (ICPS) từng được sử dụng trong các hoạt động diễn tập tiền phóng của SLS trước đó - sang một máy tính sẽ được sử dụng cho chuyến bay chính thức của SLS trong Artemis I.

Giám đốc hệ thống thăm dò của NASA, Jim Free cho biết: "Nhóm phóng biết chính xác những gì họ cần làm khi đưa SLS quay trở lại VAB sau cuộc diễn tập tiền phóng hôm 20/6. Để đưa SLS lên Mặt trăng, chúng tôi hiểu, tất cả không có chỗ cho sự sai sót dù là nhỏ nhất. Mọi thứ phải được hoàn hảo".

SLS & Starship: Cái nào bay trước?

Sau khi hoàn thành thành công buổi diễn tập tiền phóng cho SLS của NASA vào ngày 20/6/2022 - và khi tên lửa Starship của SpaceX nhận được đánh giá thuận lợi từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ [rằng việc chế tạo, thử nghiệm và phóng phương tiện nâng hạng nặng Starship của SpaceX từ cơ sở Starbase ở Boca Chica, bang Texas (Mỹ) sẽ "không gây ra hậu quả môi trường đáng kể" đối với các khu vực nhạy cảm xung quanh] - thì có thể thấy thế giới đang chứng kiến một cuộc đua không gian ngầm ngay tại nước Mỹ xem SLS hay Starship - hai siêu tên lửa đẩy - chiếc nào sẽ rời mặt đất trước!


Starship cao khoảng 120 feet (120 m). Cấu hình Khối 1 của SLS cao 322 feet (100 m). Cái nào sẽ bay trước?

Starship là một tên lửa khổng lồ, cao gần bằng một tòa nhà 30 tầng, hoàn toàn do Tập đoàn Công nghệ Khám phá Không gian (tư nhân) của Mỹ xây dựng. Starship dự định chở người và thiết bị vượt quỹ đạo Trái Đất đến các điểm đến bao gồm Mặt trăng, sao Hỏa và không gian sâu hơn nữa.

Điều đáng nói, Starship đã được NASA coi là phương tiện hỗ trợ chính cho sứ mệnh thuộc Chương trình Artemis đưa các phi hành gia trở lại bề mặt Mặt trăng. Cụ thể, NASA đã chọn hệ thống này làm tàu đổ bộ đầu tiên của con người cho Artemis.

Người sáng lập công ty SpaceX kiêm Giám đốc điều hành Elon Musk cho biết qua Twitter rằng Starship sẽ sẵn sàng cho một chuyến bay thử nghiệm trên quỹ đạo vào tháng 7/2022. Tuy nhiên, SpaceX vẫn phải chờ Cục Hàng không Liên bang Mỹ cấp phép chính thức để tiến hành bay.

Hơn nữa, theo tin tức Elon Musk cung cấp vào ngày 11/7, Starship đã có một cuộc thử nghiệm không như mong muốn.

Một quả cầu lửa đã nổ ra ở chân của bộ tăng cường Booster 7 - một nguyên mẫu của Super Heavy, giai đoạn đầu tiên khổng lồ cho hệ thống vận chuyển không gian sâu Starship thế hệ tiếp theo của SpaceX - trong cuộc thử nghiệm hôm thứ Hai (11/7) tại cơ sở Starbase của công ty ở Nam Texas.


Dàn động cơ tên lửa Raptor "khủng" của Starship. (Ảnh: Elon Musk)

Space thông tin, SpaceX đang chuẩn bị Booster 7 cho chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Starship. Nhiệm vụ mang tính bước ngoặt đó có thể khởi động trong thời gian tới, NẾU mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch (và nếu Booster 7 không bị hư hại quá nặng bởi sự kiện hôm 11/7). Có khả năng, SpaceX sẽ cho Starship cất cánh vào cuối mùa hè 2022.

Nếu chuyến bay quỹ đạo thử nghiệm thành công, Starship sẽ là siêu tên lửa sở hữu sức mạnh cũng như khả năng chuyên chở mạnh hơn bất kỳ tên lửa nào trước đó trong lịch sử thế giới, mạnh hơn cả huyền thoại Saturn V của NASA (tên lửa từng đưa phi hành gia Apollo 11 đặt chân lên Mặt trăng năm 1969).

Hệ thống Starship bao gồm tên lửa Super Heavy và một tàu vũ trụ Starship (trùng tên với cả hệ thống). Khi xếp chồng lên nhau hoàn toàn, Hệ thống Starship sẽ nặng tới 5.000 tấn, cao 120 mét. Cả hai sẽ được tái sử dụng đầy đủ và nhanh chóng, có khả năng làm cho việc di chuyển lên sao Hỏa và các kỳ tích thăm dò không gian đầy tham vọng khác trở nên khả thi về mặt kinh tế, Elon Musk nói.

Khác với các tên lửa khác (sử dụng từ 2 đến 4 động cơ), hệ thống của siêu tên lửa Starship phức tạp hơn rất nhiều do số lượng động cơ hiện có lên đến con số 33 động cơ tên lửa Raptor. Đó là lý do Elon Musk gọi tên lửa Starship của mình là "một con quái vật khá phức tạp".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất