Sinh vật nhân tạo “ăn” khí CO2
Một nhà khoa học nổi tiếng người Mỹ cho rằng, công nghệ gen nhân tạo có thể mang tới một bước đột phá, giúp con người có thể định cư trên sao Hỏa.
Năm ngoái, tiến sĩ Craig Venter và các cộng sự thuộc công ty gen nhân tạo Synthetic Genomics đã khiến giới khoa học ngạc nhiên khi tuyên bố đã tạo ra sinh vật nhân tạo đầu tiên trên thế giới.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Craig Venter đang phát triển những tế bào sinh trường bằng cách tiêu thụ khí CO2. Tiến sĩ Venter nghĩ rằng, phương pháp này có thể giúp con người xây dựng một nền văn minh mới trên sao Hỏa vì 95% bầu khí quyển loãng của hành tinh đỏ là khí CO2.
Tiến sĩ Craig Venter tin rằng sinh vật nhân tạo có thể giúp con người định cư trên sao Hỏa. (Ảnh: PA)
Các sinh vật nhân tạo cũng có ảnh hưởng lớn đối với Trái đất vì chúng có thể được sử dụng để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và giúp cung cấp thực phẩm cho dân số thế giới sắp đạt 7 tỷ người. Tờ Daily mail dẫn lời tiến sĩ Venter cho biết: “Rõ ràng, lương thực và nhiên liệu là những ưu tiên hàng đầu của chúng ta”.
Các nhà khoa học tạo ra sinh vật nhân tạo bằng cách tổng hợp một mã ADN và tiêm nó vào một tế bào vi khuẩn. Sau đó, tế bào chứa ADN nhân tạo sẽ phát triển và phân chia, tạo ra một dạng sinh vật sống nhân tạo được đặt tên là Synthia.
Trong khi một số nhà khoa học đánh giá nghiên cứu này là một bước đột phá trong lịch sử sinh vật học, số khác lại cho rằng nghiên cứu đã một viên đạn trong bóng tối, tiềm ẩn nhiều rủi ro không thể lường trước.
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Venter vẫn tiếp tục phát triển các tế bào nhân tạo sử dụng khí CO2 nhằm tạo ra thực phẩm, nhiên liệu và nhựa. Điều này có thể dẫn tới các “nhà máy” vi khuẩn có thể sản xuất các sinh vật nhân tạo được thiết kế cho những nhiệm vụ đặc biệt.
Công ty Synthetic Genomics của tiến sĩ Venter cũng đang hợp tác với tập đoàn ExxonMobil trong dự án phát triển tảo nhân tạo để sản xuất nhiên liệu sinh học giá rẻ và hiệu quả hơn.