Sốc: Nồng độ CO2 trong khí quyển đã chạm tới ngưỡng cao nhất trong lịch sử loài người
Thậm chí nồng độ CO2 đạt đỉnh khi còn chưa qua tháng đầu tiên của năm 2020. Thật đáng buồn khi mỗi năm chúng ta lại ghi nhận một kỷ lục mới về lượng CO2 trong khí quyển.
Đài thiên văn Mauna Loa mới đây tiết lộ, lượng khí thải CO2 trong bầu khí quyển Trái Đất đã chạm mốc 415,79 phần triệu (ppm). Không ngạc nhiên khi nồng độ CO2 luôn đạt mức cao hơn mỗi ngày. Nhưng số liệu công bố mới nhất cho thấy, lượng khí thải CO2 đã chạm tới mức kỷ lục mọi thời đại.
CO2 trong khí quyển luôn có sự thay đổi lên xuống trong suốt một năm. Cụ thể lượng CO2 tăng từ mùa thu tới mùa xuân, khi thực vật phân rã và sau đó giảm dần vào mùa hè khi thực vật phát triển và hút CO2 từ bầu khí quyển.
Chu trình tự nhiên này đã tồn tại suốt hàng triệu năm qua và tạo ra sự cân bằng cho khí quyển của Trái Đất. Cũng nhờ chu trình này mà con người có thể tồn tại hiền hòa với thiên nhiên. Nhưng đó là khi con người chưa bắt đầu phát thải CO2. Hiện tại thế cân bằng vẫn đang được duy trì nhưng nó đang có dấu hiệu thay đổi theo chiều hướng xấu dần khi lượng phát thải CO2 đang tăng đều đặn qua mỗi năm.
Kỷ lục về nồng độ CO2 hàng tháng thường xuất hiện vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4, mặc dù năm ngoái nó rơi vào tháng 2 do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch của con người.
Các nhà khoa học từ lâu đã có cơ sở để đánh giá lượng CO2 trong bầu khí quyển dựa vào lõi băng. Và kỷ lục lớn nhất từng ghi nhận đã cách đây 800 ngàn năm, khi con người bắt đầu bước đi trên Trái Đất. Thời điểm đó, nồng độ CO2 trong khí quyển chỉ ở mức trung bình dưới 280ppm.
Mọi thứ bắt đầu thay đổi nhanh chóng trong thời đại công nghiệp khi con người bắt đầu đốt nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn. Mặc dù rủi ro liên quan đến CO2 đã được cảnh báo từ lâu nhưng lượng phát thải CO2 vẫn đang tiếp tục tăng nhanh qua từng năm. Chỉ cần con người còn thải ra CO2, những cột mốc mới sẽ tiếp tục xuất hiện.
Mới tháng 5/2019, nồng độ CO2 trung bình trong khí quyển lần đầu vượt qua con số 415ppm. Trở về hồi năm 2015, con số chưa bao giờ vượt qua 400ppm.
Lượng CO2 lưu trữ trong bầu khí quyển, tạo ra một tấm chắn khổng lồ, ngăn nhiệt bức xạ thoát ra khỏi Trái Đất. Tấm màn này vô tình "hun đốt" nhiệt độ của cả hành tinh, dẫn tới hiệu ứng nhà kính và các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, cháy rừng, bão và lũ lụt. CO2 cũng làm xấu đi chất lượng không khí mà chúng ta đang hít thở hàng ngày.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo, nhân loại đang dần tiệm cận giới hạn chịu đựng của hành tinh. Một khi mọi thứ vượt quá tầm kiểm soát, hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ phá vỡ hệ thống khí hậu của Trái Đất. Nguy hiểm hơn khi băng ở Bắc Cực và Nam Cực tan chảy sẽ làm tăng mực nước biển lên trên 3m, đe dọa sự sống còn của những vùng đất ven biển.
Và khi các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng, hạn hán, lũ lụt sẽ xảy ra nhiều hơn. Kết quả là những vụ cháy rừng càng làm tăng lượng phát thải CO2 vào bầu khí quyển và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu. Tất cả những yếu tố trên kết hợp với lượng phát thải CO2 ngày càng lớn của con người sẽ trực tiếp phá hủy sự sống trên Trái Đất.
Có kịp thay đổi không? Câu trả lời là chưa bao giờ là quá muộn nếu tất cả các quốc gia kịp thời chuyển sang mô hình kinh tế xanh, hướng tới việc giảm dần sự phụ thuộc và loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nguyên nhân phát thải CO2 hàng đầu.