Socotra - "Đảo long huyết" độc nhất của Yemen bị đe dọa
Các nhà nghiên cứu cảnh báo về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới hệ sinh thái độc nhất vô nhị trên hòn đảo Socotra của Yemen.
Những cây long huyết hình chiếc ô hàng trăm năm tuổi là biểu tượng hàng đầu cho sự độc đáo và đa dạng sinh học phi thường của quần đảo Socotra ở phía tây bắc Ấn Độ Dương, nhưng gần đây, chúng còn được biết đến như một cảnh báo về khủng hoảng môi trường.
Một cây long huyết mọc đơn độc trên sườn đồi Homhil ở phía đông bắc đảo Socotra. (Ảnh: AFP).
Rừng long huyết cổ thụ đang bị tàn phá bởi những cơn bão ngày càng dữ dội do biến đổi khí hậu, trong khi cây non thay thế bị gặm cụt bởi những đàn dê sinh sôi nảy nở, khiến điểm nóng đa dạng sinh học vốn mong manh lại càng dễ bị sa mạc hóa.
"Cây mang lại nước, vì vậy chúng rất quan trọng", Adnan Ahmed, giáo viên và hướng dẫn viên du lịch có niềm đam mê với hệ động thực vật nổi tiếng của Socotra, chia sẻ. "Không có cây cối, chúng ta sẽ gặp rắc rối".
Được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2008, đảo chính Socotra (chiếm khoảng 95% diện tích đất liền của quần đảo Socotra) được mệnh danh là Galapagos của Ấn Độ Dương. Nó được mô tả là "nơi trông giống vùng đất ngoài hành tinh nhất trên Trái Đất" với cảnh quan khác biệt chứa một số lượng lớn các loài động thực vật đặc hữu. Đây cũng là nơi định cư của khoảng 50.000 người.
Ahmed cho biết thêm rằng người bản địa theo truyền thống không chặt cây long huyết để làm củi, vì chúng giúp duy trì lượng mưa thường xuyên trong khu vực. Nhựa đỏ như máu của chúng còn được sử dụng như dược liệu. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại loài thực vật quý hiếm này sẽ chết dần trong vòng vài thập kỷ tới.
Hệ sinh thái độc đáo trên đảo Socotra. (Video: Brut Nature).
"Socotra vẫn là một kho tàng về đa dạng sinh học, nhưng chúng ta có thể sắp hết thời gian để bảo vệ loài biểu tượng nhất của hòn đảo", chủ tịch tổ chức bảo tồn Friends of Socotra Van Damme nhấn mạnh. Mỗi cây bị mất sẽ làm giảm chu trình thủy văn mà tất cả sinh vật sống đều phụ thuộc vào đó.
Không chỉ long huyết, có tới 10 loài cây trầm hương đặc hữu của Socotra cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão, các loài xâm lấn và chăn thả quá mức. Một nghiên cứu cho thấy số lượng cây trầm hương nói chung trên đảo đã giảm mạnh 75% từ năm 1956 đến năm 2017.
"Tính bền vững của Socotra đã bị tổn hại. Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục, các thế hệ tương lai của chúng ta có thể chỉ còn thấy những cây trầm hương Socotra trong vườn bách thảo, kèm theo một bảng ghi chú "loài đã tuyệt chủng trong tự nhiên"", Van Damme nói thêm.
Để cứu lấy hệ sinh thái Socotra, chính quyền địa phương đang triển khai các dự án nhân giống bên trong một vườn ươm có kích thước tương đương sân bóng, được bao quanh bởi bức tường đá cao đến ngực để ngăn động vật xâm lấn. Bên trong là hàng chục cây long huyết non cao đến đầu gối và một số loài thực vật đặc hữu khác.
Damme nhấn mạnh đó mới là sự khởi đầu và cần hành động nhiều hơn thế nữa. "Socotra là hòn đảo duy nhất trên thế giới không có loài bò sát, chim, hay thực vật nào được ghi nhận tuyệt chủng trong 100 năm qua. Chúng ta phải đảm bảo nó vẫn như vậy", nhà nghiên cứu chia sẻ.