Sự tàn bạo và trụy lạc của vị hoàng đế điên loạn nhất thế giới
Cái tên Caligula – vị hoàng đế La Mã thứ ba - gắn liền với sự điên khùng, tàn bạo và đồi trụy.
Trong nhiều thế kỷ qua, cái tên hoàng đế Caligula gắn liền với sự điên khùng, tàn bạo và đồi trụy, theo trang Acient.eu. Không phải tự nhiên người ta làm phim về cuộc đời ông với cái tên “Bạo chúa Caligula” – tác phẩm với nhiều cảnh “nóng” và nội dung gây tranh cãi y như nhân vật chính của nó.
Trong 29 năm cuộc đời, hoàng đế Caligula đã phải trải qua những thảm kịch khủng khiếp thời còn nhỏ, ra lệnh ám sát tàn bạo lúc lên ngôi, và có một cái chết thảm khốc vào phút cuối.
4 năm cai trị điên loạn
Tượng hoàng đế La Mã Caligula - người nổi tiếng với sự điên khùng, tàn bạo và đồi trụy.
Caligula chỉ mới 25 tuổi khi trở thành Hoàng đế La Mã vào năm 37. Lúc đó, ông là vị hoàng đế được yêu mến và chào đón. Ông trao thưởng cho những người trong quân đội, dẹp bỏ các khoản thuế không công bằng và thả tự do cho những người bị bỏ tù bất công. Caligula cũng tổ chức các cuộc đua xe sang trọng, chương trình giải trí, và diễn kịch cho công chúng.
Caligula là người cao và có sắc mặt nhợt nhạt. Ông bị hói đầu và cơ thể rất nhiều lông. Kết quả là, Caligula thường bị chế nhạo và trêu là giống con dê. Caligula sau đó đưa ra quy định: bất kỳ ai nhắc đến “con dê” trước mặt ông sẽ bị trừng phạt bằng cái chết.
Vài tháng sau khi lên ngôi, Caligula ốm nặng. Người ta tin rằng có thể ông bị đầu độc. Mặc dù hồi phục sau cơn bệnh, vào thời điểm này, Caligula bắt đầu có những hành động lạ. Ông bắt đầu giết những người thân thiết, hoặc ra lệnh lưu đày họ.
Người viết tiểu sử Suetonius thời đó từng trích lời nói của Caligula: “Hãy nhớ rằng tôi có quyền làm bất cứ điều gì với bất cứ ai.”
Ông hành hạ các chính trị gia cấp cao thân cận bằng cách bắt họ chạy nhiều km phía trước xe của ông.
Caligula cũng ra lệnh tử hình người anh họ Tiberius Gemellus. Bà của Caligula do quá phẫn uất trước hành động này, cũng chết ngay sau đó. Có nhiều thông tin về cái chết của bà. Một số nguồn nói rằng bà tự sát trong khi những người khác khẳng định Caligula đầu độc bà.
Một trong những hành động điên rồ nhất của Caligula là tuyên bố mình là Chúa sống. Ông ra lệnh xây dựng cầu giữa cung điện và đến thờ thần Jupiter để ông có thể gặp gỡ vị thần này. Ông bắt đầu mặc trang phục của các vị thần và huyền thoại khác nhau như Hercules, Mercury, Venus và Apollo, khi xuất hiện trước công chúng. Thậm chí, ông loại bỏ đầu của nhiều bức tượng thần và thay thế bằng tượng đầu của chính mình.
Theo nhà viết tiểu sử Cassius Dio, ở tuổi trưởng thành, Caligula vẫn tiếp tục chơi các trò chơi hóa trang trẻ con như mặc quần áo kỳ lạ, đi giày con gái, đeo tóc giả và phụ kiện. Ông muốn mình “trông khác người và khác một vị hoàng đế”, Dio viết.
Theo trang Britannia, hoàng đế Caligula có tình cảm mãnh liệt và quan hệ loạn luân với các chị em gái của mình, đặc biệt là Drusilla. Bước vào tuổi mới lớn, ông từng bị phát hiện quan hệ trên giường với Drusilla. Khi Drusilla chết, Caligula tôn cô làm nữ thần. Drusilla là người phụ nữ đầu tiên ở Rome có được vinh hạnh này.
Hình ảnh hoàng đế Caligula trong bộ phim gây tranh cãi nói về cuộc đời ông.
Tuy chỉ sống 29 năm, Caligula đã lấy tới 4 vợ, theo trang Mad Monarchs. Người vợ đầu tiên tên là Julia Claudilla chết trẻ. Người vợ thứ hai là cô dâu Livia Orestilla bị Caligula “cướp” ngay tại đám cưới. Sau đó vài ngày ông ly dị cô.
Sau đó, Caligula cưới vợ lần ba, một người phụ nữ giàu có tên Lollia Paulina nhưng cũng nhanh chóng chán cô. Ông cưới người vợ thứ tư tên Milonia Caesonia và họ có con với nhau. Hoàng đế đặt tên con gái là Julia Drusilla, theo tên người em gái mà ông có quan hệ loạn luân.
Ngoài ra, theo trang History, hoàng đế Caligula được tin là có quan hệ bất chính với vợ của các đồng minh.
Cái chết thảm khốc
Khi hành động của Caligula ngày càng thái quá, nhiều nguyên lão và nhà quân sự La Mã bắt đầu căm ghét và muốn lật đổ ông. Cassius Chaerea, chỉ hủy quân đội La Mã, bắt đầu âm mưu sát hại Caligula. Vào ngày 24 tháng 1 năm 41, một nhóm lính canh đã tấn công Caligula sau một sự kiện thể thao.
Ông bị đâm hơn 30 lần đến chết. Chaerea được tin là người đầu tiên đâm Caligula, những người khác lao vào sau đó. Vợ và con gái của Caligula cũng bị đâm chết.
Ảnh minh họa cái chết đau đớn của hoàng đế Caligula.
Viện Nguyên lão La Mã kêu gọi xóa sổ chi tiết về ông khỏi lịch sử La Mã, tiêu hủy tượng của ông. Tuy nhiên, người dân La Mã giận dữ và đòi trả thù những người giết hoàng đế của họ. Chú của Caligula, ông Claudius, trở thành hoàng đế tiếp theo, ra lệnh hành quyết Chaerea và bất cứ ai có liên quan đến cái chết của Caligula.
Nhiều người nói rằng Caligula điên loạn, nhưng một số nhà sử học cho rằng Caligula bị động kinh và luôn sống trong nỗi lo sợ bị bắt giữ. Những người khác nhận định Caligula mắc chứng cường tuyến giáp trạng – căn bệnh khiến người ta luôn căng thẳng, dễ nổi nóng và mắt lồi ra.
Cho đến nay, vẫn không ai có thể khẳng định chính xác Caligula mắc bệnh lý hay phát điên vì các biến cố trong cuộc đời. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là Caligula, với sự điên cuồng lên tới đỉnh điểm, là một trong những vị hoàng đế La Mã nổi tiếng và tai tiếng nhất mọi thời đại.
Tuổi thơ đầy biến cố của hoàng đế CaligulaCaligula là vị hoàng đế thứ ba của Đế quốc La Mã. Ông sinh ngày 31 tháng 8 năm 12 tại Ý. Tên thật của ông là Gaius Caesar Germanicus. Khi lên 3, ông được đặt biệt danh là Caligula, nghĩa là "chiếc giày nhỏ", vì thường xuyên cùng cha đi chinh chiến và binh lính rất thích thú với trang phục nhỏ bé của Caligula. Cha của Caligula – ông Germanicus - là cháu trai và con nuôi của hoàng đế Tiberius thời đó. Germanicus chết vào năm 19 và có tin đồn cho rằng Tiberius đã ra lệnh đầu độc ông vì họ là đối thủ chính trị. Mẹ của Caligula, bà Agrippina tin rằng hoàng đế Tiberius chịu trách nhiệm về cái chết của chồng, tuyên bố sẽ trả thù. Đáp lại, Tiberius giam giữ Agrippina cùng 2 đứa con lớn (3 người này sau đó chết trong tù). Caligula được tha vì tuổi còn nhỏ, và được gửi đến sống cùng mẹ của Tiberius. Vào năm 31, Caligula được triệu hồi đến đảo Capri để sống với Tiberius - chính kẻ giết cha mình. Caligula buộc phải che giấu lòng thù hận suốt thời gian đó. Tuy nhiên, với tư cách là con nuôi, Caligula có quyền thừa kế ngai vàng giống người anh họ Gemellus. Khi Tiberius chết vào năm 37, Caligula được đồng minh sắp xếp và trở thành hoàng đế. |