Tái phát hiện dải mây bí ẩn dài 1.600km trên sao Hỏa
Với sự hỗ trợ của tàu quỹ đạo Mars Express, Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã thấy sự xuất hiện trở lại của dải mây bất thường trên hành tinh đỏ.
Mars Express chụp ảnh dải mây dài 1.600km trên sao Hỏa hồi giữa tháng 7/2020. (Ảnh: ESA).
Bức ảnh được Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chia sẻ trực tuyến trong tuần này cho thấy dải mây khổng lồ trải dài 1.600km theo chiều gió ở phía bên trái ngọn núi lửa Arsia Mons, gần xích đạo của sao Hỏa. Nó được chụp bằng camera giám sát trực quan (VMC) trên tàu quỹ đạo Mars Express vào ngày 15 và 19/7.
Dải mây dài và mỏng được tạo nên từ tinh thể băng. Nó được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2018 và dường như xuất hiện mỗi năm vào khoảng thời gian quanh ngày hạ chí ở cực nam của hành tinh, theo tác giả chính của nghiên cứu Jorge Hernandez-Bernal, nhà thiên văn học tại Đại học xứ Basque ở Tây Ban Nha.
"Chúng tôi đã nghiên cứu hiện tượng hấp dẫn này và đoán trước được sự xuất hiện của nó", Hernandez-Bernal chia sẻ. Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ đám mây hình thành như thế nào, tồn tại trong bao lâu, hoặc khi nào nó biến mất khỏi bầu khí quyển sao Hỏa.
Dải mây xuất hiện vào năm 2018 có chiều dài khoảng 1.450km. (Ảnh: ESA).
Trong lần quan sát mới nhất, nhóm nghiên cứu chỉ nhìn thấy dải mây trong ba giờ vào buổi sáng bởi đến chiều, hầu hết các tàu quỹ đạo quay quanh sao Hỏa sẽ bay ra khỏi vùng có thể nhìn thấy núi lửa Arsia Mons.
"Dải mây không thể được phát hiện bằng máy ảnh trường hẹp hoặc chỉ quan sát vào buổi chiều. May mắn thay, tầm nhìn rộng của VMC cho phép chúng tôi quét một khu vực rộng lớn trên sao Hỏa vào sáng sớm và nhờ đó có thể chụp ảnh dải mây", Hernandez-Bernal cho biết thêm.
Mặc dù có bầu khí quyển mỏng hơn rất nhiều so với Trái đất, mây vẫn xuất hiện thường xuyên trên sao Hỏa. Nghiên cứu các đám mây có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về khí hậu và các kiểu thời tiết theo mùa trên hành tinh.