Tái phát hiện loài lan tưởng đã tuyệt chủng ở Anh
Một loài lan đã biến mất ở Anh hơn một thập kỷ bất ngờ được tìm thấy trên sân thượng của một tòa nhà ngân hàng 11 tầng ở London.
Lan hình lưỡi hoa nhỏ (Serapias parviflora) là loài thực vật bản địa trên quần đảo Canaria của Tây Ban Nha và lưu vực Địa Trung Hải. Nó được nhìn thấy lần đầu tiên ở Anh vào năm 1989 với một quần thể duy nhất mọc ở hạt Cornwall, nhưng đã bị phá hủy vào năm 2009 do quản lý đất đai yếu kém, dẫn đến giả thiết rằng loài này đã tuyệt chủng cục bộ ở Anh.
Một cụm lan Serapias parviflora mới được phát hiện ở London, Anh. (Ảnh: Nomura).
Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát mới được thực hiện vào tháng 6, nhà sinh thái học Mark Patterson đã bất ngờ tìm thấy 15 mẫu vật Serapias parviflora mọc trên sân thượng của Nomura, một tòa nhà ngân hàng Nhật Bản. Lần tái phát hiện sau 12 năm này đại diện cho toàn bộ quần thể hoang dã của loài được biết đến ở Anh hiện nay.
"Tôi đang ở trên sân thượng để thực hiện cuộc khảo sát thực vật hàng tháng của mình thì bắt gặp những cây phong lan này, nhưng không chắc chắn chúng thuộc loài nào. Vì vậy, tôi đã chụp rất nhiều ảnh và về nhà tra cứu tài liệu. Cuối cùng, tôi nhận ra đó là loài lan hình lưỡi hoa nhỏ", Patterson kể lại.
Patterson không biết bằng cách nào mà loài thực vật quý hiếm này lại xuất hiện trên nóc tòa nhà. Nhà sinh thái học dự đoán rằng hạt giống tí hon của chúng có thể đã được gió thổi tới từ các nước châu Âu khác.
"Hạt giống của Serapias parviflora rất nhỏ và bay tốt trong gió. Một triệu hạt giống chỉ nặng tương đương một chiếc kẹp giấy. Chúng có thể có nguồn gốc từ lục địa và được đưa tới London khi gió đông nam thường xuyên thổi qua thủ đô", Patterson nói thêm.
Hạt giống của Serapias parviflora rất nhỏ và dễ bay trong gió. (Ảnh: Nomura).
Một giả thuyết khác cho rằng hạt giống có thể được đưa lên mái nhà thông qua đất trồng được sử dụng để thiết lập khu vườn hơn một thập kỷ trước. Các cây mất nhiều năm để trưởng thành và đó có thể là lý do tại sao bây giờ chúng mới bắt đầu nở hoa.
Khu vườn trên sân thượng ngập tràn ánh nắng của Nomura - nơi hiện có 159 loài thực vật sinh sống và thu hút 17 loài ong - tạo điều kiện lý tưởng cho loài lan hình lưỡi quý hiếm này phát triển và sinh sản.
"Serapias parviflora đặc biệt thích điều kiện khô nóng vì nó là thực vật vùng Địa Trung Hải. Loài lan này bị săn lùng rất nhiều và trong tự nhiên, chúng thường xuyên bị đào trộm bởi những người thu hái thực vật trái phép. Các mẫu vật ở London nằm trên sân thượng của một tòa nhà ngân hàng nên được bảo vệ rất tốt", Patterson giải thích.
Bình luận về phát hiện này, nhà sinh thái học Mark Waller, tác giả cuốn Hoa lan của Anh, nhấn mạnh đây là một khám phá phi thường, cho thấy những nơi khó xảy ra nhất cũng có thể trở thành địa điểm trú ẩn của các loài động thực vật hoang dã quý hiếm.

Hoa Poppy - Hoa biểu trưng của nước Bỉ
Cây Poppy là thực vật thân thảo, tuổi thọ khoảng 2 năm. Tháng 4, 5 nở hoa màu tím, trắng, đỏ và phớt hồng, rất đẹp. Nó có nguồn gốc từ Châu Âu và Bắc Châu Á, người Bỉ rất thích coi là biểu trưng của nước mình.

Kỳ lạ loài nấm “che mặt” như mỹ nhân, quý hiếm nhất Việt Nam
Nấm Tâm Trúc là một trong những loài nấm quý hiếm nhất Việt Nam bên cạnh nấm linh chi, nấm Thái Dương, nấm Thượng Hoàng...

Thực trạng ngành công nghệ sinh học Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc xem công nghệ sinh học nông nghiệp là một công cụ để: giúp cải thiện nguồn lương thực của quốc gia, tăng năng suất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững và cải thiện vị trí cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Loài hoa quý hiếm nhất nhì hành tinh, cứ trời mưa là "tàng hình"
Khi tiếp xúc với nước, những bông hoa có màu trắng như ngọc trai bắt đầu chuyển sang dạng trong suốt như thủy tinh.

Thì ra đây là danh tính thủ phạm tạo ra những chiếc bọc tí hon kỳ lạ trên tường nhà chúng ta
Có phải đã ít nhất một lần bạn tò mò về cái bọc kỳ lạ dính trên tường này? Hôm nay chúng ta sẽ biết đáp án.

Cận cảnh loại bướm có tên trong sách đỏ Việt Nam
Theo “Sách đỏ Việt Nam”, bướm khế có tên khoa học là Attacus atlas, cấp độ đe dọa xếp vào mức R (Rare: Hiếm, có thể sẽ nguy cấp). Loài bướm này được ghi nhận có kích thước lớn nhất ở nước ta và trên thế giới.
