Tại sao Đại Tây Dương ngày càng "phình ra" trong khi Thái Bình Dương ngày càng co lại?
Tác động của việc này là gì?
Mọi thứ xung quanh chúng ta đều thay đổi liên tục, và mặc dù có thể diễn ra chậm hơn so với bình thường, nhưng nó vẫn đang diễn ra ngay trước chúng ta. Bạn có biết rằng Thái Bình Dương (nơi có Biển Đông) đang dần thu hẹp lại, trong khi Đại Tây Dương đang mở rộng không? Câu trả lời nằm ở khoa học hấp dẫn về kiến tạo mảng.
Trước khi tìm hiểu lý do khiến Đại Tây Dương và Thái Bình Dương thay đổi kích thước, chúng ta hãy cùng xem lại những nguyên tắc cơ bản của kiến tạo mảng.
Thạch quyển là lớp vỏ cứng ngoài cùng nhất của Trái đất. Nó bao gồm lớp vỏ (crust) và phần trên cùng của lớp phủ (mantle); lớp này được chia thành các mảng lớn và nhỏ. Các mảng này di chuyển trên quyển mềm (asthenosphere) - một phần giống như nhựa lỏng của lớp phủ. Các dòng đối lưu trong lớp phủ là lý do cho chuyển động của mảng.
Trong hoạt động kiến tạo mảng, có ba loại ranh giới mảng: Phân kỳ, hội tụ và chuyển dạng. (Nguồn: VectorMine/Shutterstock).
Phân kỳ, hội tụ và chuyển dạng là ba loại ranh giới mảng. Hai mảng di chuyển xa nhau tại ranh giới phân kỳ, hình thành lớp vỏ mới và làm đáy đại dương rộng ra. Trong khi đó, hai mảng di chuyển gần về phía nhau tại ranh giới hội tụ, và một mảng có thể trượt bên dưới mảng kia, hình thành vùng hút chìm. Tại ranh giới chuyển dạng, hai mảng trượt qua nhau theo hướng song song.
Các kiến thức này sẽ lý giải tại sao Đại Tây Dương ngày càng mở rộng trong khi Thái Bình Dương lại ngày càng thu hẹp.
Vì sao Đại Tây Dương đang "phình ra"?
Đại Tây Dương trên hành tinh của chúng ta là một kỳ quan thiên nhiên. Đó là một khối nước rộng lớn chiếm hơn 20% bề mặt Trái đất. Đại Tây Dương là đại dương lớn thứ hai thế giới, bao phủ một diện tích đáng kinh ngạc là 106,5 triệu km vuông. Tuy nhiên, như các nhà khoa học đã nêu trước đó, con số này đang thay đổi.
Các ranh giới mảng phân kỳ chịu trách nhiệm cho việc bổ sung lớp vỏ đại dương mới, khiến Đại Tây Dương mở rộng. (Nguồn ảnh: BlueRingMedia/Shutterstock).
Vậy tại sao Đại Tây Dương vẫn tiếp tục mở rộng? Dãy núi giữa Đại Tây Dương là một chuỗi dài các dãy núi dưới biển ngăn cách hai mảng kiến tạo: Mảng Bắc Mỹ và mảng Á-Âu. Chuyển động này khiến magma từ lớp phủ Trái đất dâng lên bề mặt, dẫn đến sự hình thành lớp vỏ mới. Quá trình này được gọi là sự mở rộng đáy biển.
Sự mở rộng đáy biển này có thể tạo ra một thung lũng mới được lấp đầy nước, dẫn đến sự hình thành của một lưu vực đại dương mới bên dưới Đại Tây Dương.
Vì sao Thái Bình Dương đang co lại?
Thái Bình Dương là đại dương lớn nhất thế giới, bao phủ một vùng diện tích rộng hơn 165 triệu km vuông, chiếm 46% tổng diện tích bề mặt Trái đất.
Để giải đáp câu hỏi trên, hãy xem Thái Bình Dương như một bể bơi khổng lồ (chưa có nước). Bây giờ, hãy hình dung đến việc cố gắng đổ đầy bể bơi đó bằng tất cả nước trong tất cả các con sông, hồ và suối trên Trái đất. Bể bơi đó sẽ mất hơn 500 năm để đổ đầy - tất nhiên không tính đến sự bốc hơi hoặc rò rỉ.
Mặc dù có kích thước khổng lồ, Thái Bình Dương thực sự đang co lại. Điều này là do mảng Thái Bình Dương - mảng kiến tạo lớn nhất của Trái đất, bị đẩy xuống dưới các mảng khác trong một quá trình được gọi là sự hút chìm (subduction).
Sự hút chìm là nguyên nhân khiến Thái Bình Dương và chuỗi núi lửa Vành đai lửa co lại. (Nguồn ảnh: daulon/Shutterstock).
Mảng Thái Bình Dương co lại khi nó di chuyển sâu hơn vào lớp phủ của Trái đất, khiến đại dương phía trên nó co lại.
Như vậy, sự chuyển động của các mảng kiến tạo là nguyên nhân khiến kích thước đại dương của chúng ta thay đổi, tất nhiên quá trình diễn ra chậm. Đại Tây Dương đang mở rộng do sự hình thành lớp vỏ đại dương mới ở dãy núi giữa Đại Tây Dương, trong khi Thái Bình Dương đang co lại do sự chìm xuống của mảng Thái Bình Dương bên dưới các mảng xung quanh. Các quá trình địa chất này đang diễn ra và đã định hình thế giới như chúng ta biết trong hàng triệu năm.
Các đại dương không chỉ là những khối nước khổng lồ; chúng là kết quả của các tương tác mảng kiến tạo tiếp tục định hình địa chất của thế giới chúng ta.