Tại sao người ta lại nuốt được kiếm?
Nhiều người nghĩ nuốt kiếm là một trò ảo thuật. Xét cho cùng, như hầu hết các trò ảo thuật khác, nuốt chửng thanh kiếm dường như là một việc bất khả thi đối với người bình thường.
Nếu bạn đã từng xem một buổi biểu diễn nuốt kiếm, bạn có thể bị ấn tượng rằng người biểu diễn đang cố gắng lấy lòng tin của khán giả, giống như những nhà ảo thuật vẫn làm như vậy. Ông ấy mời khán giả lên sân khấu để kiểm tra thanh kiếm, hoặc thậm chí giúp kéo thanh kiếm ra khỏi miệng.
Theo How Stuff Works, một số nguồn thông tin ủng hộ cho quan điểm nuốt được kiếm là do xảo thuật. Ảo thuật gia kiêm nghệ sĩ ảo thuật trốn thoát nổi tiếng người Mỹ là Harry Houdini (1847-1926) đã viết về nuốt kiếm trong cuốn: "The Miracle Mongers, an Expose". Theo ông Houdini, một số người nuốt kiếm thời đại ông đã nuốt vỏ kiếm kim loại trước buổi biểu diễn. Từ điển bách khoa trực tuyến Encyclopedia Britannica cũng nhắc lại quan điểm này. Trang này định nghĩa nuốt kiếm là một trò ảo thuật và tuyên bố rằng hầu hết nhà ảo thuật chuẩn bị cho buổi biểu diễn bằng việc nuốt một ống kim loại dài khoảng 45-50 cm, rộng khoảng 25mm.
Nuốt kiếm là một hành vi cực kỳ nguy hiểm.
Đúng là có mẹo mới nuốt được kiếm thực sự, nhưng nó không liên quan đến ảo giác hoặc những ống kim loại được nuốt trước giờ biểu diễn, theo How Stuff Works. Thay vào đó, nó liên quan nhiều đến việc chuẩn bị về thể chất và tâm lý. Với một số nhà ảo thuật, học nuốt kiếm có thể mất nhiều năm ròng.
Hành động nuốt kiếm là một tương tác giữa hai đối tượng cơ bản khác nhau: đường tiêu hoá (GI) trên của con người và một thanh kiếm. Đường tiêu hoá trên là một loạt các cơ quan sống được kết nối với nhau. Nó bao gồm: cổ họng hoặc họng, thực quản và dạ dày.
Đường tiêu hoá trên khá mềm và nó có một số chỗ cong rõ rệt trong trạng thái thả lỏng. Trong khi đó, thanh kiếm lại cứng và vô hồn. Mặc dù một số người nuốt kiếm có thể nuốt một lưỡi dao gợn sóng và một số người kết hợp sử dụng thanh kiếm cong trong màn biểu diễn nhưng hầu hết kiếm được nuốt đều thẳng. Bạn có thể tưởng tượng rằng lúc này đường tiêu hoá trên như là một chiếc vỏ kiếm sống và bạn đang tra kiếm vào vỏ.
Mặc dù kiếm được nuốt thường là không có cạnh sắc, song nó vẫn có khả năng đâm thủng hoặc nạo đường tiêu hoá trên. Ngoài ra, việc tra thanh kiếm vào "vỏ" thì dễ nhưng để làm được điều đó phải luyện tập rất nhiều.
Trong phạm vi bài viết này, chúng ta hãy cùng khám phá xem làm sao một người có thể nuốt được một thanh kiếm? và tại sao nuốt kiếm lại khác so với nuốt thức ăn? Tại sao nuốt kiếm là một hành vi cực kỳ nguy hiểm.
Nuốt kiếm và đường tiêu hoá trên
Ảnh mô tả đường tiêu hoá trên của con người và chiều dài thanh kiếm.
Đường tiêu hoá trên của con người được tạo thành từ hai dạng mô cơ – cơ trơn và cơ xương – và một lớp bôi trơn gọi là niêm mạc. Nói chung, chuyển động của cơ xương là có chủ tâm – bạn có kiềm chế được. Khi bạn nói, gõ, chớp mắt và chuyển động, bạn sử dụng cơ xương. Trong khi đó, chuyển động của cơ trơn nói chung là ngược lại, không điều kiện. Cơ trơn chịu trách nhiệm cho các hành vi như sự giãn nở của mạch máu và sự chuyển động của thức ăn trong quá trình tiêu hoá. Nhiều hoạt động của cơ thể chúng ta, bao gồm thở và ăn, đòi hỏi sự tham gia của cả cơ xương và cơ trơn.
Các phần của đường tiêu hoá được làm bằng cơ xương bao gồm: miệng, hầu họng và phần trên của thực quản của bạn (kết nối cổ họng và dạ dày. Đây là những phần của đường tiêu hoá trên mà bạn có ý thức kiểm soát được. Khi bạn buốt, bạn có ý thức sử dụng lưỡi để đẩy thức ăn về phía yết hầu. Thanh quản sau đó di chuyển lên trên và một vòng cơ được gọi là cơ vòng thực quản giãn ra. Điều này cho phép thức ăn (đã được nhai kỹ) di chuyển vào trong cuống họng. Một vạt cơ gọi là nắp thanh quản đậy lại trong suốt quá trình này nên thức ăn không di chuyển vào phổi được.
Những hành động của phần còn lại của đường thanh quản là không điều kiện. Khi thức ăn đến phần cuống họng được "xếp hàng" với cơ trơn, một quá trình tự động gọi là nhu động tiếp quản từ đây. Vòng mô cơ ngay trên thức ăn được chuyển thành dạng bột nhuyễn tròn (bolus) ép lại với nhau, buộc viên thức ăn di chuyển xuống dạ dày.
Cả quá trình này diễn ra rất gần với các cơ quan khác trong cơ thể bạn, gồm:
- Khí quản.
- Tim.
- Động mạch chủ (vận chuyển máu từ tim đi khắp cơ thể).
- Tĩnh mạch chủ (vận chuyển máu trở lại tim).
- Cơ hoành – (dẹt, rộng ngăn giữa lồng ngực và ổ bụng di chuyển lên xuống cho phép bạn thở).
Một số cấu trúc quan trọng khác như mạch máu và các hạch bạch huyết cũng bao quanh cổ họng, thực quản và dạ dày. Đây là những cấu trúc mà thanh kiếm đi qua khi được nuốt vào trong.
Tiếp theo chúng ta sẽ xem xét quá trình từng bước nuốt một thanh kiếm.
Nuốt thức ăn và nuốt kiếm khác nhau thế nào?
Hình ảnh mô tả thanh kiếm đi qua hai cơ vòng và làm thẳng đường tiêu hoá trên trong quá trình nó được nuốt vào trong bụng người biểu diễn nuốt kiếm.
Người nghệ sĩ biểu diễn nuốt kiếm cũng theo con đường như nuốt thực phẩm, nhưng quá trình này lại khác nhau cơ bản. Nuốt thức ăn liên quan đến sự co lại của một số cơ bắp. Còn nuốt kiếm lại đòi hỏi sự giãn nở có chủ tâm của đường tiêu hoá trên. Đây là những gì xảy ra:
- Người biểu diễn ngửa đầu ra sau, kéo dài cổ hết cỡ để căn chỉnh miệng với thực quản và làm thẳng họng.
- Di chuyển (có ý thức) lưỡi tránh ra để khỏi cản đường và thư giãn cổ họng.
- Căn chỉnh thanh kiếm với đường tiêu hoá của mình và di chuyển nó qua miệng, họng, cơ vòng thực quản trên và đi vào thực quản. Nước bọt lúc này bôi trơn thanh kiếm. Một số người sử dụng thêm chất bôi trơn khác như dầu ăn, thạch.
- Trên đường đi sâu vào trong bụng, thanh kiếm làm thẳng những vòng cong của thực quản. Nó đi qua một số cơ quan nội tạng và trong một số trường hợp nó thực sự "hất" chúng ra khỏi đường đi của mình.
Đôi khi thanh kiếm cũng đi qua cơ thắt thực quản dưới và đi vào dạ dày, nhưng điều này không nhất thiết xảy ra. Khoảng cách từ răng cho đến bộ phận của dạ dày kết nối với thực quản khoảng 40 cm. Hiệp hội những người nuốt kiếm quốc tế (SSAI) định nghĩa một người nuốt kiếm là người có thể nuốt một thanh kiếm dài 38 cm, độ dài chưa đủ để đến dạ dày. SSAI khuyến nghị độ dài tối đa thanh gươm được nuốt là 61cm, tức là đủ dài để đưa mũi kiếm vào trong dạ dày người thực hiện.
Những bước này nghe có vẻ dễ nhưng nuốt kiếm cực kỳ khó để thành thục. Nó cũng không phải là cái gì đó mà chúng ta nên thử mà không có sự hỗ trợ của chuyên gia có kinh nghiệm. Tại sao lại như vậy? Và điều gì xảy ra nếu nuốt kiếm gặp sự cố?
Học nuốt kiếm
Quá trình nuốt kiếm liên quan đến nhiều thứ hơn là chỉ sắp thẳng hàng các cơ quan của cơ thể và để cho lực hấp dẫn làm nhiệm vụ của nó.
Để nuốt một thanh kiếm thành công, người biểu diễn phải học cách thư giãn các cơ mà thường là không điều khiển được. Chúng bao gồm các cơ vòng thực quản trên và dưới, các cơ của thực quản có liên quan đến nhu động ruột.
Anh cũng phải làm cho màn trình diễn trông dễ dàng – một yêu cầu khá thách thức. Nếu bạn từng nuốt một mồm đầy thức ăn, hoặc quá nhiều hoặc chưa được nhai kỹ, bạn sẽ hiểu được thực quản của mình nhạy cảm đến thế nào. Đằng này, một người nuốt kiếm phải di chuyển thanh kiếm cứng, lạnh xuống hết họng và thực quản của mình mà không được để lộ sự khó chịu.
Cơ thể con người cũng có một cơ chế tự vệ có chức năng ngăn chặn mọi thứ trừ thức ăn được nhai, nuốt đi vào cổ họng – gọi là phản xạ họng (gag reflex). Khi bạn vô tình chạm bàn chải đánh răng vào đáy cổ họng có nghĩa bạn đã kích hoạt phản xạ họng. Ở một số người, phản xạ họng rất nhạy cảm, thậm chí chỉ chạm vào trong miệng phản xạ này cũng bị kích hoạt. Trong khi ở những người khác, phản xạ này lại khó kích hoạt hơn.
Để nuốt một thanh kiếm thành công, người biểu diễn phải học cách thư giãn các cơ mà thường là không điều khiển được.
Một người nuốt kiếm thành công phải học cách lờ đi phản xạ họng. Đây không phải là một quá trình dễ dàng. Phản xạ là không điều kiện – chúng xảy ra mà không có chủ ý, nỗ lực hay tính toán trước, chẳng hạn bạn rút ngay tay khỏi chiếc tay cầm nắp nồi quá nóng. Phản xạ ở trẻ sơ sinh là rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh. Tất cả những phản xạ đều quan trọng đối với sự sống còn, và tất cả chúng xảy ra không có sự tham gia của ý thức của bạn. Hầu hết thậm chí không cần sự giúp đỡ của bộ não của bạn - các phản ứng diễn ra trong tủy sống, bỏ qua bộ não hoàn toàn.
Phản xạ liên quan đến một số thành phần sinh lý mà kết hợp để tạo thành một cung phản xạ. Dưới đây là những gì sẽ xảy ra:
- Cơ quan thụ cảm, hay đầu mút thần kinh, phát hiện một mối đe dọa hay một sự kiện đòi hỏi sự chú ý ngay lập tức của cơ thể.
- Dây thần kinh, hoặc tế bào thần kinh, mang thông tin của cơ quan thụ cảm cho hệ thống thần kinh trung ương (CNS).
- Các Trung tâm tích hợp trong thần kinh trung ương xác định phản ứng của cơ thể.
- Một nơron vận động mang hướng dẫn của các trung tâm tích hợp tới các phần thích hợp của cơ thể.
- Cơ quan phản ứng lại kích thích thực hiện những thay đổi cần thiết với những gì đang xảy ra trong cơ thể.
Trong trường hợp phản xạ họng, các đầu mút thần kinh ở đáy cổ họng phát hiện ra một đối tượng xâm nhập. Điều này tạo ra các xung động thần kinh, mà tế bào thần kinh chuyển nó đến trung tâm tích hợp trong thân não của bạn. Thân não, sử dụng tế bào thần kinh vận động, hướng dẫn các cơ ở cổ họng - cơ quan phản ứng lại kích thích – co lại. Kết quả là nảy sinh cảm giác buồn nôn để buộc bạn tìm cách đẩy các vật lạ ra khỏi cổ họng và miệng. Tất cả điều này là vô điều kiện và xảy ra ngay lập tức.
Quá trình học được việc lờ đi một quá trình vô điều kiện tốn nhiều thời gian luyện tập. Trong trường hợp nuốt kiếm, nói chung liên quan đến kích hoạt phản xạ họng liên tục. Quá trình này có thể gây ra nôn ói và rất khó chịu. Nó còn loại bỏ một quá trình chủ đích để bảo vệ cơ thể hỏi bị hại. Đây là một trong nhiều lý do tại sao nuốt kiếm lại nguy hiểm. Những nguy hiểm khác nữa của nuốt kiếm là gì?
Những nguy hiểm của nuốt kiếm
Nuốt kiếm liên quan đến việc cố tình điều khiển cơ thể làm một điều gì đó mà cơ chế tự vệ của nó ngăn cấm. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi nói đây là một hành động nguy hiểm. Nó cũng không được nghiên cứu rộng rãi trong lĩnh vực y khoa, có lẽ bởi có quá ít người nuốt kiếm. Kết quả nghiên cứu y tế được cho là kỹ lưỡng nhất đã được đăng trên tạp chí y khoa Anh xuất bản ngày 21/12/2006. Nghiên cứu này liên quan đến khảo sát tình nguyện 110 người nuốt kiếm nói tiếng Anh. Trong đó, 46 trong số 48 người biểu diễn nuốt kiếm phản hồi họ đồng ý cung cấp dữ liệu của mình để sử dụng trong nghiên cứu. 33 người phản hồi cung cấp thông tin về lịch sử y tế của mình. Nhìn chung, tác hại họ đã trải qua do nuốt kiếm gồm:
Chúng tôi khuyến cáo bạn không nên tập nuốt kiếm hay bất kỳ vật thể lạ nào có thể đe doạ đến tính mạng bản thân.
- Đau họng.
- Đau ngực dưới liên tục, có khả năng bị chấn thương thực quản hoặc cơ hoành.
- Chảy máu trong.
- Thủng thực quản, cứ ba người có một người phải phẫu thuật.
- Sưng phổi, viêm phổi.
- Viêm màng ngoài tim (màng bảo vệ tim).
Một số người mô tả bị thương nặng ngay sau khi biểu diễn nuốt gươm xong bị đau bất thường. Một kết luận logic được đưa ra là sưng và chấn thương mô có liên quan đến những tổn thương nhỏ có thể dẫn đến chấn thương nghiêm trọng hơn. Nhiễm trùng xoang là một tác dụng phụ tiềm ẩn, bởi vì nuốt kiếm là hành động đưa một bề mặt không tiệt trùng đi qua các mô kết nối với các xoang.
Do khảo sát thực hiện thăm dò với những người nuốt kiếm đương thời cho nên nó không thể bao gồm ý kiến của những người thiệt mạng vì nuốt kiếm. Song những tài liệu y khoa cho thấy nuốt kiếm là một nguyên nhân gây tử vong. Một bài báo khác trên tạp chí Y khoa Anh mô tả một người nuốt kiếm đã tử nạn sau khi cố nuốt một chiếc ô.
Cũng như các màn biểu diễn nghệ thuật nguy hiểm khác như thở ra lửa, chặt đầu, đi qua thuỷ tinh, không có cách nào thực sự làm cho nuốt kiếm an toàn hơn. Cho nên, chúng tôi khuyến cáo bạn không nên tập nuốt kiếm hay bất kỳ vật thể lạ nào có thể đe doạ đến tính mạng bản thân.