Tại sao thú cưng robot không thể thay thế được thú cưng thật?

Một số nhà nghiên cứu tin rằng, robot thú cưng có thể trở thành một thứ gì đó có ý nghĩa chứ không đơn giản là một vật gây tò mò trong tương lai gần. Nhưng chỉ trong một bối cảnh cụ thể: làm bạn đồng hành của những người già cô đơn hay ốm yếu.

Mỗi sáng, bạn lại được chú mèo đáng yêu đánh thức. Theo thói quen, bạn sẽ cho "quàng thượng" ăn một bữa sáng nhỏ, vuốt ve hay ti tỉ công việc khác. Một số người nói rằng thú cưng chẳng khác gì những kẻ cùng phòng đắt đỏ và ồn ào. Không chỉ cần được chú ý và cho ăn thường xuyên, mà còn khiến bạn tốn chi phí để giữ chúng luôn khoẻ mạnh, đặc biệt là những loài "khó nuôi".

Do đó, không ngạc nhiên khi hàng thập kỷ qua, không ít người hi vọng những con thú lông lá kia một ngày nào đó sẽ được thay thế bởi những bản sao máy móc, vốn đòi hỏi ít công sức và chi phí hơn. Nhưng vẫn đáp ứng mọi mong mỏi mà con người kỳ vọng ở một người bạn đồng hành - robot thú cưng. Vậy bạn hẳn đang tự hỏi: liệu cho đến năm 2030, mỗi chúng ta sẽ có một chú robot thú cưng chứ?

Tại sao thú cưng robot không thể thay thế được thú cưng thật?
Chú chó robot.

Nếu bạn còn nhớ, thì robot thú cưng "thật" nhất đến nay là chú chó robot AIBO do Sony phát triển, ra mắt lần đầu tiên vào tháng 5/1999.

Chó AIBO dành cho người tiêu dùng đầu tiên là một con robot màu vàng nhạt, với các cảm biến dạng nút bấm đặt dưới bàn chân, đầu, và cằm; vài chiếc đèn LED nhấp nháy xanh lá để biểu đạt vui vẻ hoặc đỏ khi giận dữ; phần mềm được quảng cáo sẽ biến AIBO thành một người bạn đồng hành "thông minh và có thể được huấn luyện" để phản ứng với môi trường xung quanh và chủ nhân.

AIBO còn hoạt động được 1,5 giờ liên tục, đi lại vô hồn như một tảng băng, và có giá bán lẻ đến... 2.500 USD. Dù AIBO được công chúng đón nhận nồng nhiệt khi ra mắt, nó chưa bao giờ là lựa chọn số một khi ai đó muốn mua quà Giáng sinh cho con cái. Đến năm 2008, Sony ngừng phát triển dòng robot chó AIBO và đến năm 2014 thì ngừng hoàn toàn hoạt động chăm sóc khách hàng.

Sau đó, AIBO được hồi sinh. Phiên bản mới, ra mắt năm 2018, có giá bán lẻ 3.000 USD kèm theo hàng loạt nâng cấp. Ví dụ, nó trông giống chó hơn hẳn so với đời đầu. Nó di chuyển mềm mại hơn khi phản ứng với một câu lệnh giọng nói, biết nhại lại tính tò mò và quậy phá của những chú cún con, thậm chí thỉnh thoảng còn giả vờ đi tè nữa! Hãy thử tìm một video so sánh hai phiên bản trên YouTube, bạn sẽ thấy sự khác biệt rất đáng kinh ngạc. Xét trên mọi khía cạnh, AIBO phiên bản mới là một con robot khá tốt, những rõ ràng vẫn chưa giống chó thật.

Robot là một lĩnh vực không ngừng phát triển, và không thể chối cãi rằng chúng ta sẽ được chứng kiến vô số tiến bộ xuất hiện trong thập kỷ tới. Những con robot thú cưng của tương lai chắc chắn sẽ chạy và sủa ăng ẳng không khác gì hàng thật. Còn ở thời điểm hiện tại, có lẽ chưa thể chứng kiến những con robot bền bỉ, có khả năng tự động thích ứng cơ học với bất kỳ kích thích trực tiếp nào, sử dụng học sâu kết hợp với dữ liệu thu thập từ vô số phiên huấn luyện nhằm cho phép chúng phản ứng với những tình huống không dự báo trước được. Hay nói cách khác, có khả năng nhại lại phương thức hoạt động của bộ não sinh học.

Trên thế giới hiện có nhiều nhóm nghiên cứu sử dụng học sâu để cải thiện khả năng di chuyển của những con robot chó. Và dù những nỗ lực ban đầu kia nhằm mục đích tạo ra robot công nghiệp, được thiết kế phục vụ các sứ mệnh tìm kiếm và giải cứu hoặc dẫn đường, không sớm thì muộn, một vài kỹ năng trong số đó có thể sẽ được mang sang phân khúc robot phục vụ người tiêu dùng, như AIBO chẳng hạn. Theo Alex Li, trưởng phòng thí nghiệm Advanced Intelligent Robotics tại Đại học Edinburgh của Anh, có khả năng một ngày nào đó, học sâu được ứng dụng để cải thiện sự mượt mà trong quá trình giao tiếp của những con robot công cộng, mang lại cho chúng khả năng tương tác tự nhiên và quen thuộc của những sinh vật sống.

"Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng nếu bạn muốn sử dụng những con robot đó trong môi trường gia đình; robot chỉ cần được huấn luyện để có những loại hành vi khác mà thôi - tức chúng sẽ có khả năng tương tác cao hơn, có hành vi dễ thương hơn với con người, giống như cách một chú chó ngồi hoặc di chuyển cơ thể để nhận được cái âu yếm từ người chủ" - Li nói. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, hình thức huấn luyện AI này một ngày nào đó hoàn toàn có thể cho phép những con robot thú cưng nhại lại những "thói hư tật xấu", hay nói cách khác là đưa ý tưởng đi tè ngẫu nhiên của chó AIBO lên một tầm cao mới!

Dẫu vậy, hãy nhớ rằng chúng ta sẽ chưa thể thấy bất kỳ con robot dành cho thị trường đại trà nào thay thế được những chú thú cưng bằng xương bằng thịt vào năm 2030. Nếu mọi chuyện thuận lợi, thì chúng sẽ có thể trở nên đủ tinh vi để được xếp vào một danh mục mới của riêng mình - không nhất thiết phải giống hệt thú thật, và cũng không quái gở như một cái máy nướng bánh biết đi.

"Đi cùng với loại công nghệ tương tác cao cấp này là những lối suy nghĩ mà từ trước đến nay chưa từng xuất hiện ở con người" - theo Melson, người từng nghiên cứu về cách mọi người, bao gồm trẻ em, tương tác với những con robot thời nay. Trong một nghiên cứu, họ thậm chí còn đề nghị trẻ em tiền tiểu học nói về cảm xúc của chúng đối với AIBO so với một chú chó thật, đặc biệt là trên khía cạnh "moral standing" - một khái niệm chỉ việc một thực thể xứng đáng được đối xử với phẩm giá và danh dự.

"Lũ nhóc không hề bị lừa. Chúng không hề nghĩ AIBO là sinh vật sống. Nhưng khi chúng tôi hỏi chúng về vấn đề đạo đức, chúng tỏ ra khá do dự. Chúng không nghĩ AIBO có 'moral standing' như một chú chó thật. Nhưng rõ ràng bạn cũng không thể đối xử với nó như một cỗ máy được" - Melson nói.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng robot thú cưng có thể trở thành một thứ gì đó có ý nghĩa chứ không đơn giản là một vật gây tò mò trong tương lai gần, nhưng chỉ trong một bối cảnh cụ thể: làm bạn đồng hành của những người già cô đơn hay ốm yếu. Ví dụ, chú hải cẩu Paro, được quảng cáo là một "robot trị liệu tương tác tiên tiến được thiết kế để kích thích các bệnh nhân bị tâm thần, Alzheimer, và các rối loạn nhận thức khác". Paro và những chú robot mèo Joy for All của Hasbro đôi lúc được gọi là "robot hỗ trợ xã hội". Chúng có lớp lông mềm mại, ấm áp, cùng những công nghệ cho phép chúng khóc và phản ứng với động tác âu yếm của con người thông qua hệ thống động cơ êm ái. Có thể xem chúng như một cấp độ mới của "liệu pháp búp bê", vốn đôi lúc được sử dụng để chữa trị cho các bệnh nhân nói trên.

Đã có những nghiên cứu cho thấy những robot hỗ trợ xã hội có thể giúp giảm bớt tình trạng lo âu và cô đơn mà các bệnh nhân tâm thần, hay những người già sống cô độc, hay gặp phải. Nhưng một vài trong số những nghiên cứu này cũng chỉ ra, những lợi ích kia không khác là bao so với lợi ích một món đồ chơi nhồi bông giá rẻ mang lại (mỗi con robot Paro hiện có giá đến 6.000 USD), hoặc chúng không thực sự hiệu quả với những nhóm bệnh nhân nhất định, như người bị tâm thần dạng nặng.

Nhưng ngoài công dụng đó, có một câu hỏi về mặt đạo đức được đặt ra: liệu chúng ta có muốn những con robot vô tri kia trở thành "người bạn đồng hành nhân tạo" cho người già? Robert Sparrow, một triết gia người Úc từng viết về robot thú cưng từ gần 2 thập kỷ trước, nghi ngờ chúng ta sẽ khó mà có được những con robot thú cưng thực thụ trong tương lai gần, và ông cũng không tin rằng những robot hỗ trợ xã hội hiện nay không thực sự mang lại lợi ích như những nghiên cứu nhận định.

Nhưng giả sử chúng có lợi thật, thì thiết kế ra robot đóng vai một sinh vật sống khác để xoa dịu cho những người đau ốm, người già, hoặc đặc biệt là những người cô đơn về cơ bản không khác gì một trò lừa gạt và là một sự tàn nhẫn - Sparrow nói - một mánh khoé không thực sự giải quyết được nhu cầu người dùng.

Tại sao thú cưng robot không thể thay thế được thú cưng thật?
Robot thú cưng sẽ sớm xuất hiện trong tương lai.

"Sẽ là một sự thất bại, nếu chúng ta nghĩ rằng đó là một giải pháp tốt" - Sparrow nói. "Về mặt đạo đức, nó giống như bạn mang TV vào phòng và nói 'này, xem vài chương trình ca nhạc đi'. Và nếu ai đó sắp phải vào ở một căn phòng không có TV, và bạn cho họ một cái TV, chắc chắn điều đó sẽ giúp tinh thần họ phấn chấn lên một chút. Nhưng điều đó vẫn là một cách đối phó ngớ ngẩn đối với tình trạng cách ly xã hội".

Sparrow từ lâu đã sử dụng sự tồn tại của robot và những công nghệ đang nổi lên khác như một cách để khám phá những vấn đề sâu xa hơn, như tại sao chúng ta có thể hình thành nên những mối liên kết sâu sắc với những sinh vật sống như thú cưng chẳng hạn. Động vật có thể không thông minh theo cách của con người, nhưng trong hành vi của chúng luôn thể hiện sự khác biệt ở một mức độ rõ ràng, điều khiến chúng thực sự độc lập khỏi chúng ta. Nhưng thú cưng cũng dựa dẫm vào chúng ta, một "gánh nặng" mà theo một cách nào đó càng khắc sâu hình ảnh của chúng trong trái tim mỗi người - Sparrow nói.

"Thú cưng có những nhu cầu tự nhiên - chúng có thể cô đơn và phá phách nhà bạn nếu bạn ngó lơ chúng; những nhu cầu khiến tâm trạng của chúng sa sút đi. Đó là thứ khiến mối quan hệ giữa người với thú cưng có tính 'thật'" - ông nói - "Và đó là một lời nhắc nhở rằng chúng ta cần nhau, đó là thứ thực sự khiến cuộc sống có ý nghĩa. Điều đó trái ngược với mô hình kia, nơi chúng ta như những cá nhân nhỏ bé bị vậy quanh bởi công nghệ, và công nghệ chỉ tồn tại để phục vụ chúng ta, vốn đang cảm thấy trầm cảm và xa lánh mọi thứ"

Những tính năng hấp dẫn mà phiên bản 2030 của AIBO hay Paro có thể sở hữu đơn giản sẽ không thể giúp chúng trở thành những con thú cưng thực thụ. Và liệu điều gì sẽ xảy ra nếu những con robot như vậy trở thành thứ không thể thiếu trong các hộ gia đình, thu hút sự chú ý của lũ trẻ và mọi người khác, bởi chúng rẻ hơn hoặc không cần phải tốn thời gian định kỳ đến bác sỹ thú y để kiểm tra sức khoẻ?

"Chúng ta sẽ đánh mất điều gì trong tình huống đó? Tôi nghĩ chúng ta sẽ đánh mất rất nhiều. Bởi thế giới sinh động vẫn rực rỡ hơn rất nhiều" - Melson nói.

Quay lại với chú mèo ở đầu bài. Chú ta rõ ràng không thể dự đoán trước được, sẽ kêu gào đòi thức ăn hoặc đồ chơi nhiều lần mỗi ngày, hoặc quậy tung chiếc giường của bạn mỗi sáng sớm. Một con mèo không bao giờ lặp lại chính xác những chuyển động của nó từ ngày này sang ngày khác, cũng như xuyên suốt những năm tháng bên chủ nhân của nó. Chú mèo nhà bạn có thể không phải là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời, nhưng lại là một sinh vật mềm mại, sứ giả của hỗn loạn, với khả năng mang lại cho bạn nụ cười mỗi ngày. Và chỉ riêng món quà đó thôi cũng đủ để chúng ta không đánh đổi chúng để lấy những con robot thú cưng hiện nay lẫn trong tương lai.

Từ khóa liên quan:
Loading...
TIN CŨ HƠN
Tại sao sao Thủy lại có lõi sắt khổng lồ chiếm khoảng 42% thể tích của nó, trong khi Trái đất chỉ là 17%?

Tại sao sao Thủy lại có lõi sắt khổng lồ chiếm khoảng 42% thể tích của nó, trong khi Trái đất chỉ là 17%?

Nghiên cứu này đã bác bỏ giả thuyết phổ biến trước đây của sao Thủy.

Đăng ngày: 13/07/2021
Vì sao mèo thích nằm cạnh laptop, bước qua bàn phím?

Vì sao mèo thích nằm cạnh laptop, bước qua bàn phím?

Một nhà nghiên cứu hành vi động vật đã chia sẻ lý do những chú mèo thích nhảy lên laptop khi con người đang sử dụng.

Đăng ngày: 13/07/2021
Tại sao vẹt không biết hót nhưng lại thích bắt chước tiếng nói con người?

Tại sao vẹt không biết hót nhưng lại thích bắt chước tiếng nói con người?

Từ lâu, chúng ta đã biết rằng một số loài chim có thể bắt chước giọng nói, trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là vẹt.

Đăng ngày: 13/07/2021
Vì sao không được phép chạm vào xác lạc đà chết trong sa mạc?

Vì sao không được phép chạm vào xác lạc đà chết trong sa mạc?

Những người đi sa mạc hầu như đã từng nghe câu “Hãy coi chừng xác lạc đà”. Tại sao lại như vậy?

Đăng ngày: 13/07/2021
Tại sao tiền xu thường có khía xung quanh?

Tại sao tiền xu thường có khía xung quanh?

Nhiều quốc gia hiện nay vẫn sử dụng tiền xu, Việt Nam đã ngừng sản xuất và lưu thông tiền xu do mệnh giá nhỏ và khó cất giữ

Đăng ngày: 11/07/2021
Tại sao chúng ta không thể sống chung với Covid-19 giống như bệnh cúm mùa?

Tại sao chúng ta không thể sống chung với Covid-19 giống như bệnh cúm mùa?

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới xác định sống chung với COVID-19 , câu hỏi đặt ra là liệu có thể làm được điều đó tương tự như bệnh cúm mùa hay không?

Đăng ngày: 09/07/2021
Tại sao một trận bóng chiếu trên các kênh khác nhau lại hiển thị bảng quảng cáo khác nhau?

Tại sao một trận bóng chiếu trên các kênh khác nhau lại hiển thị bảng quảng cáo khác nhau?

Nhìn vào quảng cáo đang trình chiếu tại các bảng điện tử, người xem có thể tưởng mình đang theo dõi hai trận đấu khác nhau.

Đăng ngày: 07/07/2021
Tiêu điểm
Khoa Học News