Tại sao Trung Quốc khao khát thám hiểm Mặt trăng?
Mặt trăng có thể là một một nguồn cung cấp các khoáng chất và năng lượng tuyệt vời, một nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn mới đây với hãng thông tấn nước ngoài.
Rạng sáng ngày 2/12, Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ Hằng Nga 3 vào không gian, với mục tiêu là đổ bộ xuống bề mặt Mặt trăng để bắt đầu cuộc thám hiểm vệ tinh tự nhiên của Trái đất. Đây là cuộc thăm dò Mặt trăng đầu tiên trong vòng 40 năm qua, kể từ sứ mệnh không người lái của Nga năm 1976.
Tên lửa đẩy đưa tàu thăm dò Hằng Nga 3 rời bệ phóng. (Ảnh: THX)
Ngay trước khi tàu Hằng Nga rời bệ phóng, giáo sư Ouyang Ziyuan, cố vấn cho sứ mệnh, đã có cuộc phỏng vấn đầu tiên với truyền thông nước ngoài, giúp hé lộ một số thông tin về chương trình không gian đầy tham vọng nhưng thường được giữ bí mật của Trung Quốc. Theo ông Ziyuan, tàu Hằng Nga 3 mang theo robot tự hành Thỏ ngọc dự kiến sẽ đáp xuống một miệng núi lửa cổ xưa có tên gọi là Sinus Iridum trên bề mặt Mặt trăng. Khu vực miệng núi lửa rộng gần 400km này được tin là tương đối bằng phẳng và không có đá, thuận lợi cho việc thăm dò địa chất.
Ông Ouyang giải thích về những động cơ chính, ẩn sau tham vọng khám phá Mặt trăng của Trung Quốc như sau:
"Thứ nhất, đó là để phát triển công nghệ của chúng tôi, vì sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng đòi hỏi nhiều dạng công nghệ khác nhau, kể cả thông tin liên lạc, máy tính, mọi dạng kỹ năng IT và việc sử dụng các dạng vật chất khác nhau. Đây là lí do then chốt.
Thứ hai, xét về mặt khoa học, ngoài Trái đất, chúng tôi cũng muốn biết về các người anh chị em của chúng ta như Mặt trăng, về nguồn gốc cũng như sự tiến hóa của nó, để từ đó có thể biết thêm về chính hành tinh của chúng ta.
Thứ ba, xét về tài năng, Trung Quốc cần phải có một đội chuyên gia tài giỏi của chính mình, những người có thể khám phá toàn bộ hệ mặt trời và mặt trăng. Đây cũng là mục đích chính của chúng tôi".
Sau 2 sứ mệnh bay quanh quỹ đạo Mặt trăng, 2 sứ mệnh tiếp theo của tàu Hằng Nga sẽ là đổ bộ và cố gắng lấy mẫu từ thiên thể này đem trở về Trái đất. Cuối cùng, sau khi hoàn thành tất cả các dự án không người lái, Trung Quốc đặt mục tiêu sẽ đưa người lên Mặt trăng. Chưa có bất kỳ người nào đặt chân lên Mặt trăng kể từ khi các sứ mệnh Apollo của Mỹ kết thúc năm 1972.
Một nguyên nhân sâu xa cho chương trình dài hơi trên của Trung Quốc là "con người có thể sử dụng Mặt trăng theo nhiều cách", như bình luận của ông Ouyang. Vị giáo sư vũ trụ học hàng đầu này của Trung Quốc cũng không ngại bày tỏ quan điểm gây sốc về việc khai thác vệ tinh tự nhiên của Trái đất.
Nếu mọi việc suôn sẻ, tàu Hằng Nga 3 mang theo robot tự hành Thỏ ngọc dự kiến sẽ đáp xuống bề mặt Mặt trăng sau khoảng 15 ngày bay. (Ảnh: Word Press)
Ông Ouyang tin rằng, do Mặt trăng sở hữu bầu khí quyển cực mỏng, nên các tấm pin mặt trời sẽ hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với trên Trái đất và "một vành đai" pin mặt trời lắp đặt ở đó có thể "đáp ứng nhu cầu của cả thế giới". Ngoài ra, Mặt trăng cũng rất giàu helium-3, nhiên liệu tiềm năng cho việc vận hành các nhà máy điện hạt nhân, có thể "giải quyết nhu cầu năng lượng của loài người trong ít nhất khoảng 10.000 năm".
Ông Ouyang cho biết thêm: "Mặt trăng rất dồi dào tài nguyên, chủ yếu là các nguyên tố đất hiếm, titan và urani mà Trái đất đang rất thiếu. Những nguồn tài nguyên này có thể được sử dụng không giới hạn. Tuy nhiên, hiện không nhất thiết phải khai thác chúng, vì sẽ rất tốn kém".
Việc phóng tàu vũ trụ Hằng Nga của Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm nước này đang bị các quốc gia láng giềng ở châu Á coi là "diễu võ, dương oai", đặc biệt sau động thái lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới đây tại Hoa Đông. Các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh đến mong muốn được hợp tác với các nước khác trong các dự án không gian, nhưng công cuộc chinh phục Mặt trăng đối với họ còn là một tuyên bố về sức mạnh quốc gia.
Tóm lại, sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng của tàu Hằng Nga có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc. Đó là sự khẳng định thanh thế quốc gia, cuộc chinh phục các đỉnh cao công nghệ và khát vọng được khai thác mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận sẵn có.
Nhiều chuyên gia phân tích đánh giá, tham vọng nói trên của Trung Quốc khó có thể trở thành hiện thực trong tương lai gần. Dẫu vậy, quốc gia này đã và đang cẩn trọng, nhẫn nại xây dựng các thành tố trọng yếu cho một chương trình không gian tiên tiến, từ những bệ phóng tên lửa, các sứ mệnh không người lái trên quỹ đạo Trái đất cho tới tàu đổ bộ hành tinh không người lái. Bắc Kinh hiện cũng ngấm ngầm đầu tư rất lớn cho các hoạt động này.
Giáo sư Richard Holdaway, một nhà khoa học vũ trụ hàng đầu của Anh thuộc phòng thí nghiệm RAL Space được chính phủ London tài trợ và cũng là người có nhiều kinh nghiệm hợp tác với Trung Quốc, tin tưởng rằng, Bắc Kinh hoàn toàn có thể đưa phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2025.