Tái tạo rừng nhiệt đới giữa thủ đô
Lần đầu tiên, các nhà khoa học thực hiện việc tái tạo một khu rừng nhiệt đới đặc trưng của Việt Nam trên cơ sở rừng trồng. 30ha rừng bạch đàn, thông, keo tai tượng... trên vùng đồi Sóc Sơn, Hà Nội đang được “biến” dần thành rừng nhiệt đới.
Sóc Sơn từng có rừng nguyên sinh nhiệt đới. Từ xa xưa, rừng nguyên sinh Sóc Sơn cùng với các cánh rừng Tam Đảo, Ba Vì và các khu rừng phía nam tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái tạo thành hành lang xanh bao bọc Hà Nội. Nơi đây đã từng tồn tại các khu rừng nguyên sinh nhiệt đới, với các cây tiêu biểu cho loại hình rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới với nhiều loài lâm sản, cây thuốc quý giá.
Rừng thông này ở Sóc Sơn mới được trồng lại cách đây khoảng 30 năm.
Với khung cảnh núi, rừng và nhiều hồ nước tự nhiên, rừng nhiệt đới tại Sóc Sơn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều hòa khí hậu cho TP Hà Nội.
Tuy nhiên, do chiến tranh và nhiều nguyên nhân lịch sử khác, rừng tự nhiên nơi đây đã bị hủy diệt, đất đai trở nên khô cằn, bạc màu. Trên gần 2.500ha đồi trọc, người dân đã trồng thành những khu rừng bạch đàn, keo tai tượng, rừng thông…
Hiện nay, các loài cây trong rừng ở đây chủ yếu là các loài cây mọc nhanh, nhằm mục đích chủ yếu là phủ xanh đồi trọc, nhưng giá trị kinh tế lại không cao, không có tác dụng tăng cường độ phì nhiêu của đất cũng như đa dạng hóa sinh học. Thảm thực vật hiện tại không phù hợp với cảnh quan của Đền Gióng cổ kính, thiêng liêng cũng như không đáp ứng được các tiêu chí bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và các chức năng khác của rừng nhiệt đới.
Theo kỹ sư Phạm Bảo, Trung tâm Tài nguyên và Môi trường thuộc Viện Kinh tế sinh thái, hiện nay, trên cả nước chỉ còn 1,4 triệu ha rừng nhiệt đới, chiếm 13% diện tích rừng ở Việt Nam. Nhiều nơi chỉ còn dáng dấp rừng nhiệt đới thôi, còn bên trong không còn giữ được sinh thái của rừng nữa.
Tái tạo rừng bằng phương pháp nhân tạo đầu tiên trên thế giới
Rừng nhiệt đới có đặc điểm chính là rất nhiều loài cây khác nhau về chủng loại và độ tuổi. Trong rừng có nhiều tầng tán, gồm cây cao, có cả cây bụi, rất khác với rừng thông.
Ông Nguyễn Duy Chuyên, Viện phó Viện Kinh tế sinh thái, Giám đốc dự án Toyota – Ecoeco kể lại, cách đây ba năm, các nhà khoa học Viện Kinh tế sinh thái đã tái tạo thử nghiệm 5ha rừng nhiệt đới ở khu vực đền Gióng, Sóc Sơn. Đến nay, nhiều cây đã lớn và sinh trưởng rất tốt. Sau khi thử nghiệm thành công, Viện đã công bố công trình này trên mạng, phía Toyota đã đọc và phát hiện đây là một đề tài hay nên họ đã tài trợ để tái tạo thêm 25ha trên nền tảng các loại rừng trồng và đặc biệt là rừng thông. Về chuyên môn, việc thay đổi tổ thành rừng thì trước đây đã có, nhưng để tái tạo cả một tổ hợp thành rừng nhiệt đới trên cơ sở rừng trồng như dự án này làm thì đây là công trình đầu tiên.
Theo kỹ sư Phạm Bảo, việc tái lập rừng nhiệt đới bằng phương pháp nhân tạo chưa từng diễn ra ở nước nào trên thế giới, bởi con người phải bỏ ra quá nhiều công sức mới làm được.
Nghiên cứu về rừng nhiệt đới từ năm 1983 đến nay, ông Phạm Bảo cho biết, trong những khu rừng thông, bạch đàn hay keo tượng, tùy đặc điểm sinh học của rừng mà các nhà khoa học đưa vào trổng ở đây những cây tương hỗ nhau để phát triển. Đất ở rừng Sóc Sơn quá xấu, nên ở mỗi gốc cây định trồng, họ phải đào hết lớp đất đó đi, đưa đất phù sa vào cùng 30 kg phân chuồng rồi mới trồng cây. Mỗi cây được trồng mới ở đây đều có hồ sơ ghi rõ tọa độ, quá trình sinh trưởng và sáu tháng kiểm tra cây một lần. Cây đều được gắn biển ghi rõ loại cây, ngày trồng…
Khi các cây này dần lớn lên, các cây thông, bạch đàn, keo tượng sẽ được chặt bỏ dần, trả lại môi trường sinh thái của rừng nhiệt đới cho Sóc Sơn. Ông Phạm Bảo hy vọng, khi rừng được phục hồi thì các loài chim muông, động vật trong khu rừng nhiệt đới cũng được phục hồi theo.
Giờ đây, có sự hỗ trợ của Toyota với kinh phí trong giai đoạn 2010-2013 lên đến bốn tỷ đồng, các nhà khoa học Viện Kinh tế sinh thái đã có cơ hội để thực hiện ước mơ tái tạo rừng.
Tái tạo rừng cho 30 năm sau
Dự án tái tạo 30 ha rừng nhiệt đới trên vùng đồi Sóc Sơn, tôn tạo cảnh quan Đền Gióng được thực hiện với mục đích tái lập khu rừng nhiệt đới với các loài cây gỗ quý hiếm từ các vùng sinh thái khác nhau có cấu trúc đặc hữu, hỗn loài, nhiều tầng, khác tuổi, và đa dạng sinh học cao.
Dự án sẽ được thực hiện trong bảy năm từ năm 2010 đến năm 2016, với nội dung: Tái lập và trồng mới 25ha rừng nhiệt đới với nhiều vùng sinh thái khác nhau; Chăm sóc, quản lý và bảo tồn 5ha mô hình thực nghiệm tiệm cận tái lập rừng nhiệt đới đã được trồng từ năm 2006-2008 và 25ha rừng trồng mới; Xây dựng Khu trưng bày mẫu vật và Giới thiệu bảo tồn đa dạng sinh học rừng nhiệt đới Sóc Sơn và Giáo dục bảo vệ môi trường Toyota - EcoEco.
Rừng sẽ chia thành các khu trồng các loại cây của vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc khu 4, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ, và có riêng cả một khảong rừng để trồng tất cả các loài tre nứa của Việt Nam. Các giống cây được mua về từ nhiều nơi, có hẳn một vườn ươm để gieo hạt, chăm sóc các loài cây quý.
Ông Akito Tachibana, Tổng giám đốc Công ty ôtô Việt Nam cho biết, khu trưng bày sẽ là nơi tiến hành các hoạt động ngoài trời cho thanh thiếu niên nhằm giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Những hoạt động này không chỉ trong thời gian của Dự án mà sẽ được tiếp tục duy trì trong nhiều năm tới.
Theo kỹ sư Phạm Bảo, phải ít nhất 30 năm sau nơi đây mới thành rừng nhiệt đới. Vì thế, việc tuyên truyền ý thức cho người dân ngay từ bây giờ để giữ rừng như người đứng đầu Toyota Việt Nam nói không hẳn là chuyện quá lo xa.
Dự án tái tạo rừng này cũng sẽ giúp cộng đồng, nhất là người dân TP Hà Nội, và các tỉnh đồng bằng Sông Hồng, cũng như giới trẻ thấy được cấu trúc đặc sắc và đa dạng của rừng nhiệt đới ở Việt Nam. Diện tích rừng sau khi khôi phục sẽ trở thành một bảo tàng rừng nhiệt đới tự nhiên trong lòng Hà Nội.