Tập lặn để lấy bình tĩnh
Các nhà khoa học từ St Petersburg (Nga) đã đưa ra phương pháp mới nhằm giảm bớt căng thẳng và tăng cường hệ miễn dịch, dựa trên quan sát các động vật có vú biết lặn được tiến hành nhiều năm qua.
Họ đi tới kết luận rằng, ngụp lặn trong nước lạnh giúp giảm bớt căng thẳng và khởi động các động lực bảo vệ cơ thể.
Nhóm sinh học của Đại học tổng hợp quốc gia St Petersburg đã tiến hành công tác quan sát rái cá, hải ly, chuột nước và loạt động vật có vú biết bơi lặn. Giống với con người, khi đắm mình trong nước lạnh, các động vật cũng chịu loạt tác động cực đoan. Nhờ giai đoạn tiến hóa dài, chúng đã tôi luyện cho bản thân cơ chế bảo vệ hệ thống tim mạch.
Ảnh: cesti.gov.vn
Khi lặn vào dòng nước, các động vật chuyển sang chế độ tiêu thụ tiết kiệm oxy, nhịp tim đập chậm lại và lưu lượng máu tuần hoàn cũng giảm. Cơ thể tái phân phối máu từ các chi đổ về những cơ quan không thể thiếu oxy là tim và não. Quá trình ngược lại diễn ra khi động vật bơi ngoi lên bề mặt nước: máu rút bớt khỏi não và tim, phân bổ đều khắp các cơ quan của cơ thể.
Các nghiên cứu nhận thấy cơ chế điều tiết này cũng có ở người và họ gọi đó là phản xạ lặn. Tuy nhiên, để huy động phản xạ lặn không nhất thiết phải ngụp sâu cả người mà chỉ cần ngâm mặt vào nước lạnh với nhiệt độ không cao hơn nhiệt độ trong phòng từ 10-12 độ. Sơ đồ nín thở do các nhà khoa học St Petersburg đưa ra là một yếu tố quan trọng trong phương pháp này.
Các bác sĩ ghi nhận trong quá trình ngụp lặn tần số nhịp tim sẽ giảm một nửa. Ngoài ra, phản xạ lặn kích hoạt cơ chế bảo vệ chống căng thẳng và hạn chế bài tiết quá nhiều adrenaline làm suy nhược cơ thể.
Ngâm mặt trong nước lạnh giúp giải phóng khỏi nhịp tim đập nhanh, xóa căng thẳng và nâng sức miễn dịch. Phương pháp này sẽ hỗ trợ những người bệnh bị hạn chế tập luyện thể dục. Tất nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo là trước khi tập ngụp lặn, mọi người nên tham khảo ý kiến bác sĩ, đặc biệt là xác định chế độ và tần số lặn.