Tàu cách Trái đất 25 tỷ km đã được "hồi sinh" như thế nào?

Tàu vũ trụ du hành liên sao Voyager 1 đã phải sử dụng đến máy phát băng tần cũ để liên hệ với NASA sau khi gặp lỗi mất tín hiệu.

Vào tháng 10, NASA đã mất liên lạc với tàu vũ trụ Voyager 1 do gặp trục trặc với máy truyền phát tín hiệu. Sự gián đoạn bắt đầu vào ngày 16/10, khi NASA truyền lệnh tới con tàu và yêu cầu nó kích hoạt một trong những máy sưởi. Tuy nhiên, hệ thống điện tử trên tàu đã không phản hồi lại mệnh lệnh từ Trái đất.


Tàu Voyager 1 mất tín hiệu với NASA vào tháng 10. (Ảnh: NASA).

Trên thực tế, NASA phải mất khoảng 2 ngày để nhận ra vấn đề. Đó là vì Voyager 1 là vật thể nhân tạo xa nhất trong vũ trụ mà con người từng phóng vào không gian, cách Trái đất gần 25 tỷ km và cần khoảng 23 giờ để một thông điệp đến được tàu. Sau đó, cũng cần thêm 23 giờ nữa để các chuyên gia nhận được phản hồi.

Đến ngày 18/10, Voyager 1 đã lỡ cuộc gọi trở về trung tâm chỉ huy theo lịch trình được cài đặt sẵn. Mạng lưới không gian sâu (DSN) của NASA đã quét tín hiệu và cuối cùng tìm thấy nó trên một dải tần số khác.

Theo phát hiện sơ bộ, bộ gia nhiệt đã tự động kích hoạt hệ thống bảo vệ lỗi tích hợp của Voyager 1. Nếu một thiết bị sử dụng quá nhiều điện, cơ chế này sẽ tự động tắt các hệ thống khác không cần thiết để tiết kiệm năng lượng.

Trong trường hợp này, máy phát vô tuyến băng tần X, đường truyền chính của còn tàu với Trái đất là thiết bị gặp lỗi. Để tiết kiệm điện, hệ thống bảo vệ đã giảm tốc độ truyền dữ liệu và thay đổi tín hiệu băng tần X.

DSN đã thiết lập lại kết nối và mọi thứ tạm ổn định trong khi nhóm chuyên gia của NASA điều tra vấn đề. Nhưng ngày hôm sau, liên lạc lại bị cắt đứt hoàn toàn.


Voyager 1 có thể mất liên lạc hoàn toàn với NASA vào năm 2036. (Ảnh: NASA).

NASA nghi ngờ máy phát băng tần X của Voyager 1 đã kích hoạt hệ thống bảo vệ, buộc tàu phải chuyển sang máy phát băng tần S ít tốn năng lượng hơn. Đây là lần đầu tiên băng tần S được sử dụng từ năm 1981.

May mắn là các kỹ sư DSN đã kết nối lại thành công, xác nhận thiết bị vẫn hoạt động vào ngày 22/10. Tuy nhiên, nhóm kỹ thuật chưa kích hoạt lại băng tần X để tiếp tục điều tra nguyên nhân sự cố, với hy vọng sớm khôi phục hoạt động của Voyager 1.

Các tàu thăm dò Voyager, với công nghệ gần 50 năm tuổi, tiếp tục hoạt động bất chấp nhiều sự cố kỹ thuật khi tiến sâu vào không gian giữa các vì sao. Hiện tại, 2 tàu Voyager đang khám phá vùng không gian bên ngoài tầm ảnh hưởng của Mặt Trời.

Nguồn điện đang cạn kiệt dần sẽ khiến 2 con tàu Voyager 1 và 2 ngừng thu thập dữ liệu sau năm 2025 và mất liên lạc hoàn toàn vào năm 2036 khi vượt quá phạm vi hoạt động của DSN.

Dù vậy, chúng vẫn tiếp tục hành trình trong hàng nghìn năm tới, mang theo thông điệp của nhân loại tới những nền văn minh chưa xác định trong vũ trụ rộng lớn.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất