Tàu Polarstern hoàn thành sứ mệnh nghiên cứu Bắc cực lớn nhất lịch sử
Con tàu Polarstern chở theo hàng trăm nhà khoa học từ 20 quốc gia trở về Đức sau 389 ngày đi qua các khối băng ở Bắc cực để thực hiện chuyến nghiên cứu Bắc cực lớn nhất lịch sử. Họ mang về khối dữ liệu khổng lồ quý giá.
Tàu Polarstern của Viện Nghiên cứu đại dương và địa cực Alfred Wegener (Đức) cập cảng Bremerhaven ngày 12/10. Không có sự kiện chào mừng rầm rộ nào do các biện pháp hạn chế dịch COVID-19, tuy nhiên khối dữ liệu về Bắc cực quan trọng mà họ đem về sẽ giúp các nhà khoa học trên thế giới hiểu hơn về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
"Chúng tôi đem về một kho dữ liệu cùng với vô số mẫu lõi băng, tuyết và nước" - nhà khoa học Markus Rex, trưởng đoàn thám hiểm, nói với Hãng tin AFP và cho biết đoàn hoàn thành mọi kế hoạch nghiên cứu đã dự định.
Tàu Polarstern trở về Đức ngày 12/10 sau hơn một năm nghiên cứu Bắc cực - (Ảnh: REUTERS).
Băng biến mất nhanh khủng khiếp
Trong hơn 389 ngày, hơn 300 nhà khoa học từ 20 quốc gia đã tham gia sứ mệnh nghiên cứu trị giá 177 triệu USD mang tên MOSAIC để đánh giá tình hình tại một trong những phần xa xôi và khắc nghiệt nhất hành tinh.
"Chúng tôi chứng kiến Bắc cực đang chết dần. Chúng tôi nhìn thấy quá trình này ngay bên ngoài cửa sổ, hoặc khi chúng tôi đi trên lớp băng giòn", ông Rex nói. Ông nhớ lại họ đã đi qua những vùng biển không có băng "kéo dài đến tận chân trời". "Chính tại Bắc cực, chúng tôi đã thấy băng giòn, mỏng, bị tan chảy và xói mòn nghiêm trọng", ông kể.
Ông Rex cảnh báo nếu xu hướng ấm lên ở Bắc cực tiếp diễn thì chỉ sau vài thập kỷ nữa, thế giới sẽ có "một Bắc cực không có băng vào mùa hè". Kết quả nghiên cứu cũng phù hợp với những hình ảnh chụp từ vệ tinh của Mỹ cho thấy rằng vào năm 2020, băng biển ở Bắc cực vào mùa hè sẽ đạt mức thấp kỷ lục thứ hai kể từ năm 2012.
Để nghiên cứu, đoàn đã lập 4 điểm quan sát trên biển băng trong bán kính lên tới 40km xung quanh con tàu. Các nhà nghiên cứu đã thu thập các mẫu nước bên dưới lớp băng trong đêm để nghiên cứu sinh vật phù du và vi khuẩn thực vật, tìm hiểu cách thức hoạt động của hệ sinh thái biển trong điều kiện khắc nghiệt.
Tàu Polarstern đi trên lớp băng tại Bắc cực - (Ảnh: The Local).
Họ cũng dùng máy bay không người lái để thu thập thông tin về nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, tốc độ gió để giúp tái hiện các điều kiện ở Bắc cực.
Và hơn hết, trải nghiệm thực tế khiến các nhà nghiên cứu choáng ngợp. Radiance Calmer, nhà nghiên cứu của Đại học Colorado (Mỹ), nhớ lại cảm giác đặt chân trên băng là khoảnh khắc "kỳ diệu". "Nếu tập trung, ta có thể thấy lớp băng di chuyển", cô Calmer nói.
Kể từ khi chuyến tàu nghiên cứu khởi hành từ Tromso, Na Uy, vào ngày 20-9-2019, đoàn đã trải qua nhiều tháng dài chìm hoàn toàn trong bóng tối, với nhiệt độ thấp tới âm 39,5 độ C và xung quanh là 20 con gấu Bắc cực.
Chuyến đi cũng gặp sự cố khi dịch COVID-19 bùng phát và các biện pháp phong tỏa khiến nhóm nghiên cứu tiếp sức không thể bay đến tàu và đoàn bị mắc kẹt trong 2 tháng.
Giai đoạn 2: Phân tích dữ liệu
Đối với các nhà khoa học, hành trình tiếp theo cũng không kém phần quan trọng là phân tích các dữ liệu thu thập được. Việc phân tích có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí là thập kỷ.
"Đối với chúng tôi, giai đoạn 2, phân tích dữ liệu, đang bắt đầu. Rất nhiều dữ liệu được đưa về cùng con tàu và chúng tôi chắc sẽ bận rộn với nó trong hơn 10 năm tới", nhà nghiên cứu Thomas Krumpen nói.
Những thông tin này sẽ được dùng để phát trình các mô hình của sự ấm lên toàn cầu, giúp dự đoán các đợt nắng nóng, mưa lớn hoặc bão trong 20, 50 hoặc 100 năm tới.
Theo ông Rex, việc băng tan chảy ở Bắc cực không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cộng đồng sống tại đây mà còn tác động lên khí hậu toàn cầu. "Chúng ta phải làm mọi thứ để giữ gìn nó cho các thế hệ tương lai", ông nói.