Tàu siêu tốc Hyperloop sử dụng công nghệ bay tốc độ 1.000 km/h
Với đường cao tốc 30 làn ống, tàu siêu tốc Hyperloop sẽ vận chuyển nhiều người và hàng hoá qua lại giữa các thành phố với thời gian tính bằng phút.
Hyperloop được phát triển bởi Công ty Virgin Hyperloop của tỷ phú Sir Richard Branson, sử dụng nam châm điện công suất cao để đẩy các vỏ tàu bay qua một đường ống. Công nghệ này giúp Hyperloop đạt tốc độ lên đến 1.000 km/h, có thể vận chuyển nhiều hành khách và hàng hóa qua lại giữa các thành phố chỉ trong vài phút.
Tàu thử nghiệm đạt tốc độ 107km/h tại một đường thử 500 m ở sa mạc Nevada. (Ảnh: The Sun).
"Chúng tôi mang lại cho mọi người cơ hội sống ở nơi họ muốn sống và làm việc ở nơi họ muốn làm việc, dù hai nơi cách xa nhau", giám đốc Công ty Virgin Hyperloop Josh Giegel nói và cho biết ý tưởng ra đời Hyperloop cách đây bảy năm. "Từ thiết kế bản vẽ đến việc ngồi bên trong toa tàu siêu tốc thử nghiệm đầu tiên, tất cả đều là những nỗ lực tưởng chừng siêu thực".
Khi vận hành, các toa tàu chở hành khách và hàng hoá sẽ được đưa vào bên trong hệ thống làn ống. Bên trong ống, gần như chân không bởi toàn bộ không khí được hút ra ngoài, cho phép tàu đi với tốc độ siêu nhanh mà mức tiêu thụ năng lượng thấp.
Thời gian di chuyển giữa cách thành phố bằng Hyperloop chỉ còn tính bằng phút.
Do tàu Hyperloop sử dụng công nghệ bay từ trường nên không xảy ra hiện tượng mài mòn ma sát, vì thế mọi thứ đều rất trơn tru. Mỗi khoang tàu có sức chứa từ 20 đến 30 người, và có thể vận chuyển hàng chục nghìn hành khách mỗi giờ, đại diện Virgin Hyperloop cho biết.
Được gắn động cơ đẩy điện tử, Hyperloop có khả năng tăng tốc tương tự chiếc xe thể thao. Với lực bay từ trường, Hyperloop di chuyển gần như không gây tiếng ồn. Vận tốc của tàu đạt tới 1.000 km/h, giúp chuyến đi giữa thành phố New York và Washington sẽ chỉ mất 30 phút. Từ thành phố Los Angeles đến Las Vegas trong 40 phút, hay từ London đến Edinburgh chỉ trong 45 phút.
Hồi tháng 11 năm 2020, tại Las Vegas (bang Nevada), Josh Giegel và giám đốc trải nghiệm khách hàng Sara Luchian, đã trở thành hai người đầu tiên đi tàu siêu tốc Hyperloop. Trên đường thử 500 m, tàu chạy đạt tốc độ 170 km/h, đánh dấu cột mốc quan trọng đối với Virgin Hyperloop và Sir Richard.
Sara Luchian và Josh Giegel trở thành những người đầu tiên đi trên Hyperloop. (Ảnh: The Sun).
Công ty có trụ sở tại Los Angeles cũng đặt ra tham vọng trong vòng 10 năm nữa sẽ "lăn bánh" thêm một hệ thống tàu siêu tốc Hyperloop hoạt động giữa Dubai và Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
"Vấn đề chính không phải là 10 hay 20 năm nữa. Ngay bây giờ, các thành phố đã có thể bắt đầu lên kế hoạch. Ngoài Mỹ, chúng tôi cũng đang xem xét những nơi như Ấn Độ, châu Âu và Trung Đông trong khung thời gian từ năm 2025 đến 2027", Giegel nhấn mạnh.
Hãng Transpod của Canada và Zeleros của Tây Ban Nha cũng nhắm đến việc phát triển các mạng lưới hành khách và vận tải hàng hóa truyền thống với công nghệ tương tự.
Được đề xuất đầu tiên bởi tỷ phú Elon Musk, công nghệ tàu siêu tốc Hyperloop hứa hẹn sẽ giảm tắc nghẽn và thời gian di chuyển giữa các thành phố.
Công nghệ của tàu siêu tốc Hyperloop cũng tạo ra ít khí nhà kính hơn so với ô tô hay tàu hỏa truyền thống, thân thiện với môi trường hơn.
Tuy nhiên, do tàu chạy với tốc độ siêu nhanh có thể biến Hyperloop trở thành "chuyến đi khiến mọi người say tới mức nôn ói liên tục", một nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Hoàng gia Thụy Điển, đánh giá.