Tàu Trung Quốc ghép nối với module lần thứ hai
Phi thuyền Thần Châu 8 và module thí nghiệm Thiên Cung 1 thực hiện thành công lần ghép nối thứ hai trong không gian hôm qua.
Hình minh họa tàu Thần Châu 8 và module
Thiên Cung 1 chuẩn bị ghép nối trong không gian.
Trước đó Thần Châu 8 và Thiên Cung 1 ghép nối lần thứ nhất vào ngày 3/11. Trong 12 ngày qua hai thiết bị bay cùng nhau quanh trái đất trước khi tàu Thần Châu 8 tách ra trong khoảng nửa giờ rồi ghép nối lần thứ hai, Xinhua đưa tin.
Bắc Kinh muốn lắp đặt trạm không gian riêng vào năm 2020. Để đạt mục tiêu đó, họ phải làm chủ kỹ thuật ghép nối trong không gian. Trước đây chỉ có Nga và Mỹ thực hiện thành công kỹ thuật này vào thập niên 60.
Ghép nối hai thiết bị trong không gian là kỹ thuật cực khó bởi hai thiết bị bay trên cùng quỹ đạo với tốc độ lên tới vài nghìn km mỗi giờ. Hai thiết bị phải tới gần nhau một cách nhẹ nhàng và chính xác, nếu không chúng sẽ phá hủy lẫn nhau.
Các nhà khoa học Trung Quốc chọn thời điểm hai thiết bị bay qua vùng tối để thực hiện lần ghép nối thứ hai. Bằng cách đó họ sẽ biết kỹ thuật ghép nối của Trung Quốc có thể được tiến hành trong môi trường thiếu ánh sáng hay không.
Nhiều cảm biến và radar được lắp đặt trên tàu Thần Châu 8 để hỗ trợ quá trình ghép nối. Do điều kiện ánh sáng thay đổi liên tục trong quá trình tàu bay quanh trái đất, thách thức lớn nhất là giảm thiểu tác động của ánh sáng mặt trời đối với các cảm biến.
Tàu Thần Châu 8 được phóng lên vào ngày 1/11, còn module Thiên Cung 1 bay lên từ ngày 29/9. Sau lần ghép nối thứ hai, Thần Châu 8 sẽ trở về địa cầu vào ngày 17/11. Trong năm sau Trung Quốc sẽ phóng hai tàu Thần Châu 9 và Thần Châu 10 lên quỹ đạo để chúng ghép nối với Thiên Cung 1. Một trong hai tàu sẽ chở người.