Tây Bắc có thể xảy ra động đất cấp 9, gây hư hại hoàn toàn nhà cửa
Viện Vật lý địa cầu nhận định thời gian tới động đất có thể tiếp tục xảy ra, cường độ lớn nhất tại các tỉnh Đông Bắc có thể đến cấp 7, Tây Bắc cấp 8, thậm chí cấp 9 (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La...) và gây hư hại hoàn toàn nhà cửa nếu xảy ra.
TS Nguyễn Xuân Anh, viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam), đã nhận định và cảnh báo như vậy khi trả lời về tình hình động đất tại các tỉnh phía Bắc trong thời gian tới.
Trận động đất 4,9 độ richter xảy ra tại Lai Châu ngày 16-6 vừa qua khiến một số nhà cửa, công trình trình bị hư hỏng - (Ảnh: LÝ VĂN PHÓN).
Theo ông Xuân Anh, Viện Vật lí địa cầu đã nghiên cứu các hoạt động động đất ở Việt Nam. Các nghiên cứu cho thấy trong lịch sử khu vực Tây Bắc đã xảy ra một trận động đất mạnh. Hai trận động đất tại Điện Biên năm 1935 mạnh 6,7 độ richter, Tuần Giáo năm 1983 mạnh 6,8 độ richter đã gây ra những rung động trên bề mặt biên độ cấp 8, cấp 9.
"Trong những nghiên cứu của chúng tôi đánh giá, trong tương lai khu vực Tây Bắc vẫn có thể xảy ra những trận động đất có độ lớn tương tự và những rung động trên nền xảy ra ở những khu vực tâm chấn có thể ở cấp 8, cấp 9" - ông Xuân Anh nói.
Ông Xuân Anh cho biết trong các động đất có cường độ cấp 8, cấp 9, người dân rất dễ dàng cảm nhận rung lắc và sợ hãi.
Hai trận động đất tại Điện Biên (6,7 độ richter) và Tuần Giáo (6,8 độ richter) trước đây không gây thiệt hại lớn vì khi đó những công trình, những vùng lân cận chưa xây dựng nhiều. Hiện nay, nếu xảy ra trận động đất tương tự như vậy thì việc kháng chấn là cần phải lưu tâm.
"Nếu xảy ra động đất cấp 8, cấp 9 thì các công trình xây dựng ở các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc mặc dù kháng chấn thì vẫn có thể bị thiệt hại và mức độ ảnh hưởng tương đối nặng.
Theo thang đánh giá MKS-64, động đất cấp 9 sẽ gây hư hại hoàn toàn nhà cửa, nền đất có thể bị nứt rộng 10cm, còn cấp 8 sẽ phá hoại nhà cửa,..." - ông Xuân Anh nói.
TS Nguyễn Xuân Anh, viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) - (Ảnh: CHÍ TUỆ).
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, ông Xuân Anh đề nghị các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc phải thực hiện đúng các quy chế chính phủ ban hành và quy chế để phòng chống động đất.
"Dựa trên đánh giá mức độ nguy hiểm động đất của từng khu vực, sau khi tính toán rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt là đối với công trình mới xây, thì phải đảm bảo những tiêu chuẩn kháng chấn và đảm bảo những yếu tố phục vụ cho việc giảm thiểu các thiệt hại do động đất gây ra.
Ví dụ như vừa rồi động đất ở Lai Châu. Trên cơ sở các đánh giá, qua đó Viện Vật lý địa cầu phối hợp với tỉnh để đề xuất những giải pháp phù hợp theo quy chế động đất mà Chính phủ ban hành.
Chúng ta cần phải chủ động phòng chống, vì trong quá khứ đã từng xảy ra trường hợp tương tự rồi. Đặc biệt, khu vực Đông Bắc, Tây Bắc phải thực hiện đúng các quy chế chính phủ ban hành và quy chế để phòng chống động đất" - ông Xuân Anh nói.
- Động đất 5,3 độ ở Sơn La, dư chấn đến Hà Nội, các tòa nhà rung lắc mạnh
- Sáng nay tiếp tục xảy ra 2 trận động đất tại Mộc Châu, Sơn La
- Mua một chiếc quần Levis mới, rất có thể bạn đang mặc một phần chiếc quần jeans cũ của một ai đó