Thảm cua cá ngừ bao phủ đáy biển California
Các thợ lặn và nhà sinh vật học hải dương bắt gặp những con cua cá ngừ chồng chất lên nhau ở đáy biển ven San Diego do bị dòng hải lưu cuốn vào gần bờ.
Khi Anna Sagatov, nhà quay phim dưới nước, lặn đêm ở ngoài khơi bãi biển La Jolla Shores tại San Diego vào cuối tháng 4, cô chứng kiến một cảnh tượng bất ngờ. Đáy biển chuyển thành màu đỏ bởi thảm cua chồng chất lên nhau. Xoay tròn và xê dịch theo dòng hải lưu, đàn cua trải dài hết phạm vi mà đèn lặn có thể chiếu sáng, theo Sagatov. Đàn cua đỏ mà cô và nhiều người khác trông thấy ngoài khơi San Diego là cua cá ngừ, theo Info Club.
Anna Sagatov chụp ảnh bên đàn cua cá ngừ ở độ sâu hơn 18 m dưới mặt biển. (Ảnh: Anna Sagatov).
Vùng nước nông quanh nam California không phải nơi ở quen thuộc của cua cá ngừ. Chúng thường sống ở quanh Baja California, Mexico. Nhưng đây là lần thứ hai trong vòng 6 năm chúng xuất hiện trong khu vực này. Một số chuyên gia suy đoán chúng có thể bị đẩy tới hẻm núi gần bờ ở San Diego bởi dòng hải lưu giàu dưỡng chất bắt nguồn từ El Nino, khi đại dương ấm lên giải phóng nhiều nhiệt lượng hơn vào không khí, tạo ra dòng hải lưu dễ thay đổi và biến động áp suất không khí trên biển Thái Bình Dương ở xích đạo. Sự kiện có thể báo hiệu những thay đổi về khí hậu trong vùng. Cùng lúc, màn tụ tập của cua cá ngừ cung cấp cho các nhà khoa học và thợ lặn như Sagatov hình ảnh cận cảnh của sinh vật biển thường kết thúc sinh mệnh trong bụng cá ngừ.
Sagatov chứng kiến hành vi ăn thịt đồng loại tập thể giữa những con cua. Dù cua cá ngừ chuyên ăn sinh vật phù du, chúng cũng là động vật ăn thịt cơ hội ở cuối chu kỳ sống, do đó chúng sẵn sàng ăn chính đồng loại của mình.
Cua cá ngừ có quan hệ gần với cua ẩn sĩ hơn là cua đích thực, dù chúng tiến hóa những đặc điểm tương tự. Tên gọi của chúng đến từ việc chúng là nguồn thức ăn ưa thích của những loài cá lớn như cá ngừ. Ở cuối vòng đời, cua cá ngừ sống ngay phía trên vỏ lục địa, trở thành loài kiếm ăn ở tầng đáy. Trong giai đoạn này, chúng thường di chuyển dọc cột nước để tìm kiếm sinh vật phù du nên dễ bị cuốn bởi gió, thủy triều và dòng hải lưu, đẩy về phía bắc. Ở đáy hẻm núi Scripps dưới biển, cua cá ngừ chất đống lên nhau thành những chồng đông tới hàng nghìn con. Đối với động vật ăn thịt ở địa phương, đây là miếng mồi béo bở.
Màn tụ tập của cua cá ngừ năm nay và năm 2018 là một bí ẩn khoa học, theo Megan Cimino, trợ lý nghiên cứu ở Viện khoa học hải dương ở Đại học California, Santa Cruz. Khi cua cá ngừ xuất hiện lần gần nhất, nhóm nghiên cứu của cô nhận thấy chuyển động của chúng ở California liên quan tới dòng hải lưu đại dương mạnh khác thường có nguồn gốc từ Baja, nhưng không phải luôn trùng với El Nino. Theo cô, sự kiện mới báo hiệu "có gì đó khác biệt đang xảy ra trong đại dương". Trong khi mối liên hệ giữa đàn cua cá ngừ và El Nino vẫn chưa được giải thích rõ ràng, biến đổi khí hậu có thể dẫn tới điều kiện đại dương thay đổi nhiều hơn.
Do nước lạnh ở hẻm núi Scripps, cua cá ngừ sẽ không tồn tại lâu sau khi tới San Diego. Những con cua chết tập thể sẽ dẫn tới sự kiện mắc cạn, trong đó xác chúng dạt vào bờ biển, nhuộm đỏ bãi cát và vùng biển xung quanh. Trường hợp khác là cùng dòng hải lưu có thể đưa đàn cua trở lại biển khơi.
- Những con cua biển khổng lồ mắc lưới ngư dân
- Video: Rợn gáy cảnh đàn cua "khủng" xâm chiếm đáy biển
- Video: Hoá ra nhiều người vẫn chưa biết loài cua có thể bơi được