Cặp cá voi sát thủ giết 17 con cá mập một ngày
Đôi cá voi sát thủ ở ngoài khơi Nam Phi chuyên giết cá mập để moi gan trong khi bỏ lại các bộ phận khác nguyên vẹn.
Xác một con cá mập bị moi gan dạt vào bãi biển. (Ảnh: Viện hàn lâm động lực học hải dương)
Hai con cá voi sát thủ được các nhà bảo tồn hải dương đặt tên là Port và Starboard gây xáo trộn chuỗi thức ăn ở vùng biển ngoài khơi Cape Town và khiến số lượng cá mập trắng sụt giảm. Tuần trước, các nhà nghiên cứu đến từ Viện hàn lâm động lực học hải dương phát hiện tổng cộng 17 xác cá mập trong một ngày. Họ đã theo dõi thói quen săn mồi của Port và Starboard từ khi chúng xuất hiện trong khu vực vào năm 2015. Xác mỗi con cá mập đều bị xé rách và mất lá gan, cơ quan giàu dưỡng chất mà cá voi sát thủ ưa thích.
Nhóm chuyên gia cho rằng Port và Starboard chuyên ăn gan do đây là bộ phận chứa nhiều hợp chất mang tên squalene đóng vai trò quan trọng trong sản xuất hormone. Cá voi sát thủ có thể moi gan từ cá mập với độ chính xác cao. Phối hợp với nhau, đôi cá voi sát thủ dồn cá mập lên mặt nước, khiến chúng lật ngửa trước khi cắn vào bụng để lấy gan. Trừ lá gan, các cơ quan nội tạng khác trong bụng cá mập vẫn nguyên vẹn.
Cá voi sát thủ, động vật ăn thịt duy nhất săn cá mập trắng, cực kỳ thông minh và săn mồi điêu luyện. Ngoài cá mập, chúng cũng ăn cả hải cẩu, cá heo, rùa và mực. Kỹ năng săn mồi táo bạo của Port và Starboard ở Nam Phi cho phép các nhà nghiên cứu xác định cá mập có phản ứng chạy trốn. Một nghiên cứu công bố vào tháng 10/2022 chỉ ra những con cá mập lo sợ không dám quay lại môi trường đi săn tự nhiên vì chúng bị đe dọa bởi màn thảm sát của cá voi sát thủ.
"Chúng tôi lần đầu tiên quan sát phản ứng bỏ chạy của cá mập trắng trước sự hiện diện của hai con cá voi sát thủ Port và Starboard ở vịnh False vào năm 2015 và 2017. Cá mập rời bỏ môi trường sống trước đây, gây ảnh hưởng lớn tới cả hệ sinh thái và hoạt động du lịch liên quan", tiến sĩ Alison Kock, chuyên gia cá mập ở Vườn quốc gia Nam Phi, cho biết.
Các nghiên cứu trước đây ghi nhận hành vi mới lan truyền giữa những con cá voi sát thủ theo thời gian thông qua truyền bá văn hóa. Nhóm nghiên cứu hy vọng phát hiện của họ có thể giúp phát triển các biện pháp bảo tồn tốt hơn đối với cá mập trắng. Số lượng cá mập trên thế giới đã giảm hơn 70% chỉ trong 50 năm.

Loài cá “vũ trang” như chiến binh độc đáo ở biển Đông
Những con cá quả thông "vũ trang" bản thân như những xe bọc thép hầm hố, là sinh vật gây thích thú có ở vùng biển Đông. Loài cá này yêu cầu ngặt nghèo về điều kiện sống.

Một loài khác đang phát triển bộ não giống con người
Dù bị chia cắt bởi 500 triệu năm tiến hóa, bản kế hoạch chi tiết về một bộ não thông minh, phức tạp vẫn được bảo tồn trong cơ thể hai loài, một trong hai là con người.

Rùa biển đau đớn khi phải rút ống hút 12cm ra khỏi mũi
Đoạn clip quay lại toàn bộ quá trình rút chiếc ống hút nhựa găm chặt vào lỗ mũi chú rùa biển đã nhận được sự quan tâm lớn từ phía cộng đồng mạng ngay sau khi xuất hiện trên Youtube.

Các nhà khoa học giải mã bí mật sống thọ của loài sứa bất tử
Các nhà khoa học ở Tây Ban Nha đã giải mã gene di truyền của Turritopsis dohrnii - một sinh vật có khả năng liên tục quay ngược vòng đời - với hy vọng khám phá bí mật về tuổi thọ độc đáo của chúng.

Ốc cổ ngỗng - Hải sản giá "cắt cổ" chỉ dành cho người giàu
Vùng biển xứ Galicia ở tây bắc Tây Ban Nha nổi tiếng với nhiều loài hải sản cao cấp, trong đó ốc cổ ngỗng được xem là có giá trị dinh dưỡng rất cao với rất nhiều nguyên tố vi lượng, vị lại ngọt ngon.

Giải mã vũ khí đáng sợ của tôm búa
Tôm búa (Stomatopoda) - hay tôm tít, tôm tích, tôm thuyền - là nhóm động vật giáp xác bao gồm hơn 400 loài thuộc bộ Tôm chân miệng.
